Là 1 trong 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong chủ đề công tác năm 2021, các hoạt động hợp tác và liên vùng đã được Quảng Ninh quan tâm, chú trọng thúc đẩy nhằm tạo đà phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) tỉnh.
Sớm nhận diện vai trò liên kết vùng
Tại các buổi làm việc với nhà đầu tư trong và ngoài nước, các địa phương, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh luôn khẳng định quan điểm: coi thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của tỉnh trong quá trình phát triển.
Ông Cao Tường Huy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Trong xu thế hợp tác, toàn cầu hoá như hiện nay, các địa phương đều không thể phát triển độc lập mà không có sự liên kết, hợp tác. Trên thực tế, chính việc thúc đẩy liên kết, hợp tác, trong đó có liên kết, hợp tác vùng, sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển KT - XH cho các địa phương, nhất là trong phát triển hạ tầng giao thông kết nối, thu hút đầu tư, mở rộng các lĩnh vực phát triển thế mạnh”.
Sớm nhận diện vai trò của liên kết vùng trong phát triển KT - XH, những năm qua, Quảng Ninh đã tích cực hợp tác, liên kết với nhiều tỉnh/thành thông qua các chương trình đánh giá công tác phối hợp chung trên nhiều lĩnh vực. Tỉnh thường xuyên phối hợp nghiên cứu, xây dựng, triển khai và phát triển mối quan hệ hợp tác dựa trên thế mạnh và tiềm năng riêng của từng địa phương, hướng đến mục tiêu phát triển dài hạn chung.
Trong đó phải kể đến những hợp tác mang tính chiến lược với TP. Hải Phòng như: triển khai thực hiện quy hoạch phát triển KT - XH vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; thống nhất kiến nghị về những vấn đề tương đồng giữa hai địa phương, đặc biệt là trong kết nối hạ tầng giao thông tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long, thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Trọng tâm công tác phối hợp của 2 địa phương trong giai đoạn 2020 - 2021 là thúc đẩy hợp tác hoạt động của chuỗi cung ứng dịch vụ logistics kết nối Hải Phòng - Quảng Ninh.
(Ảnh: Báo Quảng Ninh) |
Quảng Ninh đã tích cực hỗ trợ, phối hợp với TP. Hải Phòng trong việc xử lý thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, để khai thác nhanh chóng và hiệu quả cảng biển Quảng Ninh và cảng biển Hải Phòng; ban hành quy chế phối hợp liên quan đến giải quyết thủ tục hải quan, kiểm định, kiểm hóa hàng nhập khẩu, xuất khẩu thông qua cảng, góp phần kết nối khu vực tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Phối hợp trên nhiều lĩnh vực, phát triển kinh tế
Trong công tác phát triển hạ tầng giao thông, tỉnh Quảng Ninh đã cùng Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa báo cáo, đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá.
Đáng chú ý, Quảng Ninh và Hải Phòng đã hoàn thiện nhiều công trình, dự án lớn, tạo động lực trong phát triển KT - XH cũng như tăng cường kết nối vùng như: Công trình cầu Bạch Đằng, kết nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Hải Phòng - Hạ Long; từ đó góp phần hoàn chỉnh tuyến kết nối tam giác phát triển kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, hoàn thiện hạ tầng giao thông tuyến cao tốc ven biển vùng duyên hải Bắc Bộ; giảm tải lưu lượng cho quốc lộ 18 và quốc lộ 10.
(Ảnh: Báo Quảng Ninh) |
Về lĩnh vực du lịch và dịch vụ, tỉnh đã hợp tác với nhiều địa phương như Hải Dương, Bắc Giang, Đà Nẵng, TP,HCM, Bình Dương, Nha Trang… để đẩy mạnh và phát triển hoạt động du lịch, trao đổi du khách, đảm bảo tính bền vững cũng như phát triển giá trị văn hóa.
Nổi bật trong năm 2021, việc đệ trình UNESCO thành công Hồ sơ đề cử Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là một trong những dấu mốc quan trọng cho thấy sự phối hợp hiệu quả của chính quyền tỉnh Quảng Ninh và TP. Hải Phòng, đánh dấu bước phát triển mới của 2 địa phương về liên kết quản lý vùng.
(Ảnh: Phạm Công) |
Đặc biệt, để thúc đẩy phát triển kinh tế của 2 địa phương, TP. Hải Phòng và Quảng Ninh vừa tổ chức hội nghị hợp tác phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới vào ngày 24/9. Theo đó, các sở, ngành 2 bên sẽ phối hợp xây dựng các phương án để thu hút du lịch qua các chương trình xúc tiến tại khu vực miền Bắc.
Lợi thế thuộc "vùng xanh", tỷ lệ tiêm vắc xin cao đã trở thành những điều kiện thuận lợi để Quảng Ninh phối hợp mở lại hoạt động du lịch, tạo bước phát triển mang tính đột phá trong trạng thái bình thường mới.
Ngoài ra, trong lĩnh vực nông nghiệp, Quảng Ninh thực hiện nhiều chương trình phối hợp tiêu thụ nông sản tới các địa phương như Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh; nâng cao trách nhiệm công tác phối hợp trong quản lý bảo vệ rừng tại cơ sở nơi giáp ranh với tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang; liên kết, phối hợp kết nối với một số địa phương lân cận như Hòa Bình, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Hải Dương, Hải Phòng... để thu hút, tuyển dụng lao động tỉnh ngoài vào làm việc tại các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh…
Từ những nỗ lực thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng; Quảng Ninh đã đạt được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Quảng Ninh, bất chấp những tác động của dịch bệnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng của năm 2021 toàn tỉnh tăng 8,6%, cao hơn 0,1% so với cùng kỳ năm 2020, nhằm trong nhóm các tỉnh có mức tăng trưởng cao nhất cả nước.
N.L