Dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp của TP.HCM “đổ bệnh”. Thậm chí, có HTX phải dừng hoạt động mảng nông nghiệp để chuyển sang một lĩnh vực sản xuất mới.
Lao đao vì không tiêu thụ được sản phẩm
Bà Nguyễn Thị Kim Xuân – Giám đốc HTX Nông nghiệp Mặt trời mọc (Củ Chi) chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài khiến HTX của bà đã ngừng sản xuất ớt sạch xuất khẩu.
Bà Nguyễn Thị Kim Xuân – Giám đốc HTX Nông nghiệp Mặt trời mọc (Củ Chi, TP.HCM) cho biết, sau dịch sẽ rất khó khăn để lèo lái HTX chuyển sang sản xuất mặt hàng mới. Ảnh: P.V
Trò chuyện với PV, bà Nguyễn Thị Kim Xuân cho biết: “HTX đang trên đà sản xuất ớt sạch xuất khẩu sang thị trường Thụy Sĩ thì buộc phải ngưng xuất khẩu vì các nước “đóng biên” để phòng dịch Covid-19, điều này khiến HTX thiệt hại không nhỏ”. Hiện HTX nông nghiệp non trẻ này có khoảng chục thành viên”.
Theo bà Xuân, sau khi HTX Mặt trời mọc ngừng sản xuất ớt sạch xuất khẩu, HTX chuyển hướng sản xuất rượu vodka cho Nga. “Hiện HTX đã nhận được công thức sản xuất rượu của đối tác. Họ cam kết sản lượng rượu có bao nhiêu sẽ mua hết” - bà Xuân thông tin.
Tương tự, HTX Nông nghiệp Phước An (Bình Chánh) - một HTX điển hình tiên tiến của TP.HCM, cũng đang lao đao trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo ông Trần Văn Thích - Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước An, thời điểm này, sản lượng tiêu thụ nông sản của HTX giảm tới 60%, nhiều mục tiêu đề ra trong năm 2020 cũng “tiêu tan” vì dịch Covid-19.
Nhiều năm nay, nhờ xây dựng thành công chuỗi nông sản rau sạch, HTX Nông nghiệp Phước An đã dần khẳng định được thương hiệu, uy tín và chất lượng trên thị trường. Mỗi ngày, HTX này xuất bán ra thị trường khoảng 6 tấn nông sản sạch các loại, khách hàng chủ yếu là các trường học, hệ thống siêu thị, một số công ty doanh nghiệp…
Tuy nhiên, sau khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên diện rộng, nhất là khi thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ cách ly toàn xã hội thì sản lượng tiêu thụ rau củ của HTX này đã giảm sút nghiêm trọng.
“Do các trường học đóng cửa, nhiều công ty, doanh nghiệp cũng tạm dừng hoạt động nên HTX mất tới 60% khách hàng tiêu thụ. Giờ mỗi ngày HTX chỉ còn cung ứng khoảng 2 tấn rau, củ sạch cho siêu thị”- ông Thích rầu rĩ nói.
Sơ chế rau tại HTX Phước Khanh (TP. HCM). Ảnh: P.V
Cũng theo ông Thích, nhờ nắm bắt trước tình hình dịch bệnh sẽ ngày càng nghiêm trọng, nên trước khi dịch Covid-19 bùng nổ, HTX đã lên kế hoạch cắt giảm diện tích sản xuất nông sản, vì vậy HTX và các thành viên không đến nỗi thua lỗ nặng nề. “Hiện, HTX vẫn thu mua nông sản của xã viên và bán theo giá bình ổn. Với sản lượng bán ra hiện nay, mặc dù không có lời, nhưng HTX vẫn có tiền để trả lương nhân công” - ông Thích nói.
Trong khi đó tại tỉnh Long An, ông Đặng Duy Dũng - Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Phước Thịnh, như đang "ngồi trên lửa". Theo ông Dũng, do bị tạm ngừng cung ứng tới các đầu mối tiêu thụ nên sản lượng nông sản của HTX cung cho thị trường sụt giảm thảm hại.
Theo ông Dũng, trước dịch Covid-19, mỗi ngày HTX thu mua của các thành viên 4 tấn rau sạch (chiếm 50% số rau của HTX). 50% số lượng rau này được cung ứng về thị trường TP.HCM qua một HTX nông nghiệp khác. Số rau còn lại vào hệ thống nhà trẻ, nhà hàng, bếp ăn tại địa phương. Tuy nhiên, khi xảy ra dịch Covid-19, sản lượng rau, củ của HTX cung cấp ra thị trường giảm 50%.
Hiện, HTX Phước Thịnh có 50 thành viên sản xuất với diện tích 30ha. Hằng ngày, HTX thu mua khoảng 20 chủng loại rau. Các sản phẩm của HTX đều đạt giấy chứng nhận VietGAP.
Nghĩ cách “giải cứu”
Theo Sở NNPTNT TP.HCM, tính đến tháng 9/2019, thành phố có 76 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với 1.370 thành viên, bình quân 18 thành viên/HTX. Mặc dù chưa có một cuộc khảo sát cụ thể của ngành nông nghiệp để thấy mức độ thiệt hại của các HTX trên địa bàn do dịch Covid-19, nhưng hầu như ai cũng thấy rõ mức độ ảnh hưởng và những khó khăn do dịch bệnh này gây ra.
Theo ông Thích, thời điểm này HTX chỉ tập trung cho sản xuất và lo cho đời sống các thành viên, nhân công nhằm vượt qua dịch Covid-19. HTX cũng chưa có kế hoạch dựng dậy HTX sau dịch. “Chắc chắn HTX sẽ bị thiệt hại nhiều và yếu đi sau dịch Covid-19. Chúng tôi sẽ phải lo kế hoạch phát triển lại HTX sau này” - ông Thích chia sẻ.
Tại huyện Cần Giuộc (Long An), một cuộc khảo sát các HTX mới đây cho thấy nhiều HTX, tổ hợp tác (THT) sản xuất nông nghiệp trên địa bàn bị ảnh hưởng, sản lượng tiêu thụ giảm 40 - 50%. Theo Phòng NNPTNT huyện Cần Giuộc, huyện hiện có 26 HTX và 65 THT. Các HTX nông nghiệp công nghệ cao chuyên cung cấp sản phẩm các nhà hàng, bình quân khoảng 2 tấn/ngày nay đã ngừng cung cấp; các HTX nông nghiệp bán cho thương lái, bán lẻ tại các chợ truyền thống giảm sức mua giảm 20%.
Trước tình hình trên, UBND huyện Cần Giuộc cho biết, khi dịch Covid-19 tạm ổn, sẽ tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ các HTX, THT khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ thành viên sản xuất trở lại.
Hiện có khoảng 60-70% số các HTX nông nghiệp chịu tác động của dịch Covid-19. Trong đó: Nhóm HTX chịu ảnh hưởng mạnh, chiếm khoảng 30%, tập trung ở 3 khu vực: miền núi phía Bắc; các đô thị lớn; các vùng sản xuất hàng hóa Lâm Đồng, ĐBSCL thuộc chuyên ngành sản xuất rau, củ, quả, HTX chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và các HTX cung ứng thực phẩm tươi sống trực tiếp cho các siêu thị,… Sản lượng thực phẩm cung ứng của các HTX này giảm từ 30-50% trong 2 tháng qua. Giá bán các sản phẩm này cũng giảm khoảng 20%, cá biệt giảm đến 50%. |