Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nhận định, tín dụng toàn nền kinh tế 2 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng âm, giảm 0,72% so với cuối năm 2023 và từ tháng 2/2024 đã bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng dương trở lại là điều rất bình thường.
"Hiện, các chỉ số đo lường tăng trưởng kinh tế của 2 tháng đầu năm, nhất là tình hình tháng 2/2024 vẫn khá tích cực như chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng khoảng 5,1% so với tháng 1, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm tăng đến 18,6% so với cùng kỳ năm trước và xu thế phục hồi của thị trường bất động sản cho thấy khả năng tín dụng sẽ tăng trưởng khởi sắc hơn từ quý II/2024 trở đi", ông Châu nhận xét.
Theo Chủ tịch HoREA, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản để đủ điều kiện tiếp cận tín dụng, đi đôi với thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tiêu dùng bất động sản.
Theo ông Lê Hoàng Châu, việc các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tập trung tháo gỡ "vướng mắc pháp lý" để các dự án bất động sản đủ điều kiện tiếp cận tín dụng là "giải pháp phi tín dụng" hiệu quả nhất để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong năm 2024.
Cụ thể, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang xem xét khả năng trình Quốc hội xem xét có thể cho phép áp dụng sớm Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 thay vì có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Đặc biệt là xây dựng Đề án triển khai trình Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác và thí điểm tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập.
"Nếu các giải pháp này được Quốc hội chấp thuận thì sẽ tháo gỡ được "vướng mắc pháp lý" cho các dự án bất động sản mà khó nhất là "vướng" một số quy định của luật, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bất động sản tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn và giúp cho các ngân hàng thương mại thuận lợi trong việc xét duyệt cho vay tín dụng", ông Châu nhận xét.
Bên cạnh đó, HoREA đề nghị các Bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện khoảng 25 dự thảo Nghị định, Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật các tổ chức tín dụng bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, sát với thực tiễn.
Ngoài ra, giải pháp cụ thể là đề nghị "Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ" tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, các địa phương để xem xét tháo gỡ khó khăn, "vướng mắc" cho các dự án trên địa bàn trên cơ sở phân loại từng "nhóm vướng mắc" để có thể áp dụng tương tự cho các địa phương để "tái khởi động" lại dự án "trùm mền" đủ điều kiện để tiếp cận tín dụng.
Chủ tịch HoREA cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của các doanh nghiệp bất động sản là phải nỗ lực "tái cấu trúc doanh nghiệp", tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm nhà ở hướng về nhu cầu thực của thị trường là loại nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội.
"Các DN phải phấn đấu đưa ra giá bán nhà ở hợp lý và chân thành hợp tác với "Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ" và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để cùng tháo gỡ khó khăn, "vướng mắc" cho dự án", ông Lê Hoàng Châu nói thêm.
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cũng đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước 4 giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.
Thứ nhất, để thúc đẩy tăng trưởng "tín dụng tiêu dùng bất động sản", HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét bổ sung đối tượng là người mua nhà ở thương mại giá vừa túi tiền từ 3,5 tỷ đồng/căn trở xuống (khoảng 35 triệu đồng/m2) được tiếp cận "gói tín dụng 120.000 tỷ đồng" (mới giải ngân 646 tỷ đồng là quá thấp).
"Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và Công điện số 18/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo "bảo đảm dòng vốn tín dụng tập trung vào các động lực tăng trưởng của nền kinh tế (tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư)" mà đối tượng "tiêu dùng bất động sản" chính là người mua nhà", ông Châu lý giải.
Thứ 2, để thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở 2023, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền xem xét khôi phục lại đề xuất "gói tín dụng 110.000 tỷ đồng" cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội với lãi suất cho vay ưu đãi 4,8-5%/năm trong thời hạn tối đa 25 năm.
Thứ 3, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét bãi bỏ tiết (iii) điểm b khoản 2 Điều 22 và khoản 5 Điều 26 Thông tư 39/2016/TT-NHNN (được sửa đổi bổ sung tại điểm c khoản 6 và điểm b khoản 9 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT -NHNN), không quy định tổ chức tín dụng "phải có biện pháp phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay" đối với "trường hợp cho vay để thanh toán tiền nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ".
Đề xuất này để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ "đặt cọc, thế chấp, bảo lãnh" để bảo đảm "quyền" của "bên nhận đặt cọc, thế chấp, bảo lãnh", trong đó có trường hợp "đặt cọc" để mua, thuê mua bất động sản, nhà ở hình thành trong tương lai, như ý kiến của HoREA và Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc Bộ Tư pháp.
"Rất tiếc là bản dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước chưa tiếp thu để sửa đổi cho phù hợp hơn", ông Châu nhận xét.
Cuối cùng, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét bãi bỏ điểm a khoản 8 Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với khoản 2 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP (sửa đổi khoản 2 Điều 5 Nghị định 153/2020/NĐ-CP), để cho phép tổ chức tín dụng được mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính mình, do Thông tư số 16/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước đã được ban hành trước Nghị định số 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ đến 1 năm.