Theo đó, Hiệp hội đánh giá cao nội dung bản dự thảo ngày 08/08/2017 của Ngân hàng Nhà nước về sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 36 và Thông tư 06, trong đó quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Tuy nhiên, HoREA cho rằng, việc dự thảo thông tư mới quy định: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa với lộ trình sau đây:
Từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2017: Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 50%; Tổ chức tín dụng phi ngân hàng: 90%.
Từ ngày 01/01/2018 đến hết ngày 31/12//2018: Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 45% (...)” là chưa thực sự phù hợp với nhu cầu và mục tiêu phát triển của thị trường bất động sản.
Cụ thể, theo HoREA, năm 2018 là năm trọng điểm thực hiện Nghị quyết 42/NQ-QH của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, trong đó có khoảng 60%-70% tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu là bất động sản. Việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết 42/NQ-QH thông qua VAMC sẽ phục hồi nhiều dự án bất động sản đã bị ngừng hoạt động trước đây.
Hơn nữa, nguồn tăng trưởng tín dụng cuối năm 2017, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và nguồn kiều hối sẽ được giải ngân thực hiện chủ yếu trong năm 2018. Do vậy, việc dự thảo Thông tư mới quy định: “Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 đến hết ngày 31/12/2018: Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 45%" sẽ khiến cho ngành bất động sản gặp nhiều khó khăn.
Do đó, HoREA đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ quy định hiện nay cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa 50% trong năm 2018, tương tự như năm 2017.
Hiệp hội nhận thấy việc tiếp tục cho phép sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa 50% như hiện nay cho đến hết năm 2018, sẽ là nguồn lực hỗ trợ hiệu quả cho sự tăng trưởng của nền kinh tế, cũng như của thị trường bất động sản. Lý do bởi thị trường bất động sản là một trong những hộ tiêu dùng lớn nhất của nền kinh tế, sử dụng hàng ngàn sản phẩm của hơn 90 ngành sản xuất, kinh doanh cũng như tạo nhiều việc làm cho người lao động.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo phân bổ khoảng 1.000 tỷ đồng (trong nguồn vốn 2.000 tỷ đồng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ cho Ngân hàng Chính sách xã hội) cho 4 tổ chức tín dụng là Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV để sớm triển khai cấp tín dụng cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội.
Cùng với đó là kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phân bổ ngân sách hàng năm khoảng từ 1.000 - 2.000 tỷ đồng trong giai đoạn từ năm 2018-2020 để cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội vay, với lãi suất khoảng 4,8%/năm. Nguồn vốn này có thể phân bổ cho Ngân hàng Chính sách xã hội và 4 tổ chức tín dụng là Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV để triển khai thực hiện.
Về lâu dài, HoREA cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có cơ chế thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, theo quy định của Luật Nhà ở. Trước hết là các dự án nhà ở xã hội cho thuê, tương tự như Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ trước đây, để làm giảm giá thành nhà ở xã hội, là giải pháp hỗ trợ thiết thực cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội.