Ngày 5/8, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) thông báo đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết của CTCP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên. Khối lượng cổ phiếu đăng ký là 41,5 triệu cổ phiếu, mã chứng khoán TNH, vốn điều lệ 415 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 548,4 tỷ đồng.
Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận đầu tư vào hồi cuối tháng 8/2013 với số vốn điều lệ ban đầu 27,75 tỷ đồng, quy mô 300 giường bệnh. Đến ngày 10/02/2014 Bệnh viên bắt đầu đi vào hoạt động, với quy mô ban đầu 150 giường bệnh.
Hiện Bệnh viện có quy mô trên 200 giường bệnh và đang có kế hoạch mở rộng quy mô khám chữa bệnh.
Năm 2019 doanh thu thuần Bệnh viện đạt 275,5 tỷ, tăng 2% so với năm 2018. Trong khi đó, chi phí giá vốn hàng bán giảm 5% cùng kỳ nên lợi nhuận gộp tăng lên hơn 108 tỷ, tương ứng 17% so với năm trước.
Chi phí hoạt động tài chính tăng từ hơn 3,8 tỷ lên gần 8,4 tỷ. Mức chi phí hoạt động tài chính tăng cao như vậy là do lãi vay từ các khoản vay ngắn và dài hạn. Các khoản vay ngắn hạn với tổng giá trị vay là 20,415 tỷ, bao gồm 2 hợp đồng tín dụng cuối năm 2018 và 1 hợp đồng tháng 3 năm 2019. Các khoản vay dài hạn lần lượt có hạn mức là 200 tỷ tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - hợp đồng tháng 8/2019, 35 tỷ tại Ngân hàng TMCP Quân đội - hợp đồng tháng 3/2019 và 20 tỷ tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam từ năm 2013. Việc chi trả lãi cho các khoản vay phát sinh cuối năm 2018 đầu năm 2019 này đã khiến chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng đột biến.
Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng lên gần 6,5 tỷ, tăng 99% so với năm trước. Sau khi Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên và Bệnh viện Đa khoa Yên Bình Thái Nguyên đi vào hoạt động, số lượng cán bộ công nhân viên, các y bác sĩ tăng lên, do vậy chi phí nhân công của Doanh nghiệp cũng tăng mạnh. Do hoạt động trong ngành Bệnh viện, thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ chiếm 5% lợi nhuận trước thuế, đây là một lợi thế rất lớn của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt mức gần 89 tỷ đồng năm 2019, tương ứng tăng 9% so với năm trước.
Với nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng cao của người dân các tỉnh Tây Bắc Bộ, các khó khăn đến từ tình hình kinh tế vĩ mô, bên cạnh đó là diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 nửa đầu năm 2020, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đã đưa ra mục tiêu, kế hoạch kinh doanh cho năm 2020 với mức lợi nhuận sau thuế ước đạt 120 tỷ đồng. Kết thúc quý 1/2020, Bệnh viện ghi nhận doanh thu thuần hơn 54 tỷ, đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái; tuy nhiên do chi phí tài chính tăng cao nên lợi nhuận sau thuế giảm 12% so với cùng kỳ, đạt gần 20 tỷ đồng và mới hoàn thành được 16,67% mục tiêu lợi nhuận cả năm.