Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa thông báo đã nhận hồ sơ niêm yết lần đầu 6 triệu chứng chỉ quỹ ETF DCVFM VNMIDCAP (mã FUEDCMID) do CTCP Quản lý Quỹ Đầu tư Dragon Capital Việt Nam (DCVFM) phát hành. Như vậy, DCVFM đã tiến gần đến việc niêm yết và đưa quỹ ETF thứ 3 lên sàn chứng khoán sau Diamond ETF và VN30 ETF.
Quỹ ETF DCVFM VNMIDCAP là quỹ đại chúng dạng mở, được hình thành từ việc tiếp nhận, hoán đổi danh mục chứng khoán cơ cấu lấy chứng chỉ quỹ và được niêm yết, giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán Tp. HCM (HoSE). Mục tiêu đầu tư của DCVFM VNMIDCAP ETF là mô phỏng gần nhất có thể về biến động (performance) của chỉ số VNMIDCAP.
VNMIDCAP là bộ chỉ số do HoSE xây dựng từ rổ cổ phiếu thành phần của VNAllshare, gồm 70 công ty có giá trị vốn hóa cao nhất sau VN30 đáp ứng tư cách tham gia vào bộ chỉ số và các điều kiện sàng lọc cụ thể. Trong cơ cấu, nhóm tài chính chiếm tỷ trọng lớn nhất với 40,16%, tiếp theo lần lượt là công nghiệp (19,63%), bất động sản (13,57%) và hàng tiêu dùng thiết yếu (12,54%)...
Cơ cấu rổ chỉ số VNMIDCAP. Nguồn: HoSE
Theo điều lệ của DCVFM VNMIDCAP ETF, quỹ sẽ không đầu tư quá 10% số cổ phần đang lưu hành của một tổ chức niêm yết. Ngoài ra, quỹ cũng không đầu tư quá 20% tài sản vào một chứng khoán niêm yết, ngoại trừ công cụ nợ của Chính phủ. Top 10 cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất danh mục của DCVFM VNMIDCAP ETF bao gồm SSB (9,86%), DGC (5,58%), LPB (5,08%), VIB (4,92%), VND (4,75%), KBC (4,63%), OCB (3,65%), MSB (3,52%), GMD (3,41%), DXG (3%), GEX (2,95%).
Sau quý 2 bùng nổ, dòng vốn ETF đã có dấu hiệu chững lại trong 2 tháng gần đây chủ yếu do sự "hụt hơi" của các ETF nội, trong đó Diamond ETF và VN30 ETF là tâm điểm bị rút vốn. Trong khi Diamond ETF có tháng thứ 2 liên tiếp bị rút ròng mạnh nhất thị trường với giá trị lên đến 891 tỷ đồng, VN30 ETF cũng bị rút vốn liên tục trong 3 tháng qua với giá trị hàng trăm tỷ đồng.
Tuy nhiên, Diamond ETF vẫn hút ròng gần 4.200 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm. Chiều ngược lại, VN30 ETF bị rút vốn mạnh nhất thị trường với tổng giá trị lên đến hơn 1.800 tỷ đồng. Dòng vốn đổ vào thị trường từ đầu năm qua kênh ETF nhìn chung vẫn tích cực nhờ khả năng hút tiền Fubon ETF (6.100 tỷ đồng) và sự trở lại bất ngờ của FTSE Vietnam ETF thời gian gần đây.
Sự xuất hiện của các ETF mới như DCVFM VNMIDCAP hay KIM Growth VNFinselect cũng được kỳ vọng sẽ mang đến luồng gió mới, đa dạng hóa lựa chọn cho nhà đầu tư. VNDirect dự báo dòng vốn ETF sẽ tiếp tục tăng mạnh tuy nhiên sẽ tập trung vào các quỹ ETF có tiềm năng tăng trưởng tốt và định giá phù hợp.