Trong phiên giao dịch 14/9, Hoa Sen (HSG) là một trong những cổ phiếu nổi bật nhất trên thị trường khi tăng kịch trần lên 12.700 đồng với dư mua hàng triệu đơn vị. Phiên tăng trần này đã giúp HSG vượt qua đỉnh ngắn hạn được thiết lập vào tháng 6 vừa qua và cũng là mức giá cao nhất kể từ tháng 4/2018 tới nay.
Thị giá HSG hiện tăng 71% so với thời điểm đầu năm và tăng gần 3 lần so với giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát mạnh vào tháng 3, vượt trội hoàn toàn so với thị trường chung.
Cùng với sự gia tăng về thị giá, thanh khoản HSG cũng có sự cải thiện đáng kể với khối lượng khớp lệnh thời gian gần đây vào khoảng 10 triệu cổ phiếu mỗi phiên, gấp 4 lần giai đoạn đầu năm.
HSG lên mức giá cao nhất kể từ tháng 4/2018
Kết quả kinh doanh khởi sắc hỗ trợ giá cổ phiếu
Có thể nhận thấy động lực tăng giá của HSG trong giai đoạn vừa qua chủ yếu đến từ kết quả kinh doanh khởi sắc với lợi nhuận liên tục tăng cao.
Báo cáo hợp nhất 9 tháng (từ 1/10/2019 đến 30/6/2020) của Hoa Sen cho biết doanh nghiệp đạt 701 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 153% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 175% kế hoạch cả năm.
Sự tăng trưởng lợi nhuận này được Hoa Sen lý giải đến từ việc tái cấu trúc toàn diện hoạt động sản xuất kinh doanh, tập trung thực hiện cải thiện công nghệ, nâng cấp chất lượng sản lượng cũng như khai thác tốt lợi thế của hệ thống phân phối rộng rãi.
Việc tái cấu trúc giúp biên lợi nhuận Hoa Sen cải thiện đáng kể. Trong 9 tháng đầu năm, biên lãi gộp của công ty ở mức 16,1%, cải thiện đáng kể so với mức 10,9% cùng kỳ năm trước bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, Hoa Sen cũng tập trung quản lý hàng tồn kho, công nợ và các loại tài sản ngắn hạn khác một cách hiệu quả hơn, qua đó giảm mạnh các khoản nợ phải trả cũng như kéo giảm tỷ lệ nợ trong cơ cấu nguồn vốn, yếu tố quyết định để giảm chi phí tài chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong 9 tháng niên độ tài chính năm nay, chi phí lãi vay của Hoa Sen chỉ còn 446 tỷ đồng, giảm hơn 100 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Tại ĐHCĐ đầu năm nay, chủ tịch Hoa Sen – ông Lê Phước Vũ từng tự tin cho rằng giá cổ phiếu HSG có thể sớm trở lại vùng giá 20.000 đồng, thậm chí lên 30.000 đồng nếu Tổng thống Trump không có thêm "ý tưởng" áp thuế nào khác. So với mức giá mà vị chủ tịch này đưa ra, thị giá HSG hiện đã hoàn thành gần 64% "chỉ tiêu" đề ra.
Kế hoạch phát hành cổ đông chiến lược, mục tiêu trở thành nhà bán lẻ vật liệu xây dựng hàng đầu
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ĐHCĐ bất thường của Hoa Sen vào ngày 8/8 đã không thể diễn ra. Theo thông tin công bố, ĐHCĐ bất thường của Hoa Sen sẽ thông qua chủ trương phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược và đây là một trong những yếu tố hỗ trợ cho đà tăng của cổ phiếu.
Bên cạnh đó, Hoa Sen cũng có kế hoạch trở thành nhà bán lẻ vật liệu xây dựng hàng đầu Việt Nam thông qua khai thác tối đa lợi thế của hệ thống phân phối, đa dạng hóa sản phẩm và tăng độ phủ thị trường.
Hệ thống phân phối do Hoa Sen sở hữu hiện bao gồm một chuỗi 536 cửa hàng trên 63 tỉnh thành. Tất cả các cửa hàng hiện đang có doanh thu, lợi nhuận ổn định thông qua việc kinh doanh 3 mặt hàng do Hoa Sen sản xuất: tôn, ống thép, ống nhựa. Hoa Sen sẽ triển khai mô hình theo 3 giai đoạn, đầu tiên là thử nghiệm mở rộng mặt hàng kinh doanh trong ngành vật liệu xây dựng cơ bản.
Giai đoạn 2 sau khi có kết quả tích cực, Hoa Sen mở rộng danh mục kinh doanh sang các mặt hàng khác trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, trang trí nội thất. Tiếp đó, Hoa Sen đầu tư xây dựng các trung tâm phân phối vật liệu xây dựng tại các tỉnh. Các trung tâm phân phối vật liệu xây dựng này vừa có chức năng bán hàng vừa làm vai trò phân phối để phục vụ hàng hóa cho chính hệ thống chân rết là các chuỗi cửa hàng bán lẻ vốn đã có doanh thu ổn định và lợi nhuận chắc chắn.
Giai đoạn 3, khi tình hình tài chính Hoa Sen thặng dư hơn và đã đa dạng hóa thành công các mặt hàng, Hoa Sen sẽ đầu tư vốn vào chính các công ty sản xuất nằm trong chuỗi cung ứng để tăng thêm giá trị gia tăng.