Thương vụ Sứ quán Việt Nam và phóng viên TTXVN tại Ý làm việc với Ngân hàng Banca di Credito Popolare tại Napoli - Ảnh: TTXVN
Với sự phối hợp của Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Napoli, ông Silvio Vecchione, đoàn đã có buổi làm việc với ngân hàng Banca di Credito Popolare tại Napoli.
Trong cuộc gặp, đại diện phía Ngân hàng Banca Di Credito Popolare cho biết họ đã hoàn toàn bất ngờ khi nhận được lần lượt 9 phong bì, trong đó có 7 phong bì gửi trực tiếp từ các ngân hàng Việt Nam qua DHL (dịch vụ chuyển phát nhanh) và 2 phong bì từ một ngân hàng khác tại Italy, mà bên trong chỉ có các bản photocopy chứng từ hoặc chỉ có giấy trắng.
Phía ngân hàng đã quyết định quay chụp lại quá trình mở các phong bì, cùng các tài liệu bên trong và cho đoàn Việt Nam xem đoạn video đó.
Phía ngân hàng Banca Di Credito Popolare cũng nêu rõ vụ việc đã được cảnh báo tới toàn hệ thống ngân hàng Italy.
Được sự ủy quyền của Thương vụ Việt Nam tại Italy, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Napoli đã làm đơn tố giác lừa đảo vụ 100 container hạt điều xuất sang Italy và gửi đến cảnh sát tại Napoli.
Ông Phạm Văn Hồng, phó chủ tịch Phòng Thương mại Ý - Việt Nam tại Torino - Ảnh: TTXVN
Ông Phạm Văn Hồng, phó chủ tịch Phòng Thương mại Ý - Việt Nam tại Torino, cho rằng đây là vụ nghi lừa đảo rất tinh vi và đã từng xảy ra vụ việc tương tự với doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hải sản sang Ý trước đây.
Về hình thức lừa đảo, bên mua thông qua sơ hở của phương thức thanh toán, với trường hợp này là thông qua phương thức nhờ thu trả tiền trao chứng từ (Documents against Payment D/P).
Nhờ thu trả tiền trao chứng từ là hình thức thanh toán nhờ thu kèm chứng từ, theo đó người nhập khẩu chỉ lấy được bộ chứng từ khi đã chuyển vào ngân hàng đủ số tiền thanh toán. Hình thức nhờ thu này được áp dụng trong trường hợp thanh toán trả ngay.
Cụ thể hoá trong sự việc lần này, bạn đọc hãy hình dung có 4 chủ thể tham gia vào phương thức thanh toán bao gồm: DN xuất khẩu điều, người mua (KH bên Ý), Ngân hàng chuyển chứng từ (Ngân hàng Việt Nam) và Ngân hàng xuất trình chứng từ (Ngân hàng nước ngoài).
Căn cứ vào hợp đồng thương mại đã ký, Doanh nghiệp xuất khẩu điều (DN) tiến hành giao hàng cho người nhập khẩu. DN ký phát và gửi chỉ thị nhờ thu kèm bộ chứng từ hàng hóa (kèm hoặc không kèm hối phiếu) đến ngân hàng Việt Nam để nhờ thu hộ tiền người mua.
Ngân hàng Việt Nam chuyển chỉ thị nhờ thu và bộ chứng từ sang ngân hàng nước ngoài để thông báo cho người nhập khẩu.
Căn cứ vào chỉ thị nhờ thu đã nhận được, ngân hàng Nước ngoài lập thông báo gửi người mua. Ngân hàng Nước ngoài giao bộ chứng từ hàng hóa cho người mua sau khi người mua chuyển đủ tiền để thanh toán nhờ thu.
Ngân hàng Nước ngoài thanh toán số tiền nhờ thu cho ngân hàng Việt Nam.
Ngân hàng Việt Nam thanh toán cho Doanh nghiệp số tiền nhờ thu sau khi đã trừ phí dịch vụ và các chi phí liên quan.
Như vậy, bản chất của phương thức D/P gần giống như mua hàng ship COD, người bán nhờ bên thứ 3 thu tiền trước khi giao hàng cho người mua, người mua muốn lấy được hàng phải thanh toán tiền cho bên thứ 3. Sau khi thanh toán xong, người mua mới nhận được bộ chứng từ gốc từ Ngân hàng, sau đó đem bộ chứng từ này đến Hãng tàu mới nhận được hàng.
Điều mấu chốt và khó hiểu ở đây là tại sao bộ chứng từ gốc lại mất? Mất từ khâu nào trong quá trình lưu chuyển chứng từ? Do ngân hàng Việt Nam, Bên chuyển phát nhanh hay Ngân hàng nước ngoài? Ai sẽ chịu trách nhiệm? Những câu hỏi này hiện vẫn chưa có câu trả lời và rủi ro đã cận kề trước mắt khi có một số chuyến hàng đã cập cảng. Vì theo thông lệ quốc tế, khi ai đó cầm được bộ chứng từ gốc, có quyền yêu cầu hãng tàu phải trả hàng.
Kể cả khi sự việc đáng tiếc này không xảy ra, thì bản chất phương pháp thanh toán D/P cũng rủi ro cho người xuất khẩu khi không có gì bảo đảm về việc người mua sẽ thanh toán. Ngân hàng lúc này chỉ đóng vai trò "thu hộ" chứ không có bảo đảm như trong phương thức thanh toán bằng thư tín dụng L/C.
Ví dụ, sau khi hàng đến cảng, nhận được thông báo thanh toán nhưng bên mua vì lý do nào đó mà trì hoãn việc lấy hàng hoặc thậm chí không lấy hàng, người bán sẽ phải chịu toàn bộ chi phí vận chuyển hàng đi, hàng về. Chưa kể mất thời gian, công sức, kéo dài vòng quay vốn lưu động,...
Giống như thi thoảng chúng ta đọc được những vụ "bóc phốt" trong giới bán hàng online, người mua "củ chuối" không nhận hàng, người bán phải trả phí ship 2 đầu.
Có thể so sánh D/P với phương thức Ship COD, người mua muốn lấy được hàng thì phải thanh toán trước, sau đó mới nhận được BỘ CHỨNG TỪ để đến HÃNG TÀU lấy hàng. Điều tai hại là chiếc "chìa khoá" để nhận hàng là Bộ chứng từ lại mất một cách khó hiểu
Từ vụ việc hi hữu này, phó chủ tịch Phòng Thương mại Ý - Việt Nam tại Torino cho rằng quan trọng nhất các doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam cần phải chọn phương thức thanh toán quốc tế hạn chế rủi ro
"Chúng ta không vì việc cần phải xuất khẩu, rồi chấp nhận yêu cầu của bên mua mà theo hình thức thanh toán D/P như vậy là không ổn. Ít nhất bên mua phải chuyển trả trước 30%, phần còn lại 70% thanh toán bằng thư tín dụng (LC).
Bởi với phương thức thanh toán này, hàng đến bến cảng bên mua nếu có sự cố thì bên xuất khẩu còn có thể giữ 30% này để trang trải chi phí khi muốn cho hàng quay trở về."
"Ngoài ra, việc thẩm định công ty không thể thiếu, thông qua các cơ quan chuyên trách như: thương vụ, các phòng thương mại tại nước sở tại để xác minh."