Đây là kết quả của khảo sát “HSBC Navigator: Hiện tại, tương lai và ý nghĩa với doanh nghiệp”, được thực hiện với 9.100 công ty tại 35 quốc gia và vùng lãnh thổ, thể hiện quan điểm của những nhân sự giữ vai trò quyết định chính tại 2.299 doanh nghiệp khắp Đông Nam Á.
Khảo sát Navigator cho thấy 81% công ty tại Đông Nam Á dự báo tăng trưởng kinh doanh vào năm tới (cao hơn mức trung bình 79% toàn cầu). Bên cạnh đó, 76% các doanh nghiệp Đông Nam Á tham gia khảo sát tin vào vai trò của chính họ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc (SDGs), so với tỷ lệ 63% toàn cầu.
Sự lạc quan của các doanh nghiệp Đông Nam Á phản ánh quỹ đạo tăng trưởng và nhân khẩu học thuận lợi của khu vực. Nhìn chung, tổng GDP của 10 nước ASEAN đạt gần 3 nghìn tỷ đô la Mỹ năm 2018, cao hơn Anh, Pháp và Ấn Độ, và khu vực này đã đạt mức tăng trưởng 5% ổn định trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, việc triển khai các chương trình phát triển bền vững tại Đông Nam Á là không thể tránh khỏi do khu vực này đang ngày càng chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu. Ví dụ, Lloyd’s ước tính mức GDP 22,5 tỷ đô la Mỹ sẽ bị ảnh hưởng chỉ do tình trạng ngập lụt tại các thành phố Đông Nam Á. Nếu không được giải quyết, Ngân hàng Phát triển Châu Á dự báo rằng biến đổi khí hậu có thể giảm 11% GDP của khu vực vào cuối thế kỷ này.
Ông Matthew Lobner, Giám đốc phụ trách các thị trường quốc tế, Giám đốc Chiến lược và Kế hoạch, HSBC khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhận xét: “ASEAN là nơi tập trung các doanh nghiệp lạc quan nhất thế giới – và những công ty tăng trưởng mạnh này nhận thức sâu sắc rằng phát triển bền vững và các mục tiêu thương mại song hành với nhau. Thật vui khi thấy các công ty Đông Nam Á tập trung hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc, nhưng cần phải biến mong muốn thành hành động ý nghĩa. Khi các nhà đầu tư và chính quyền đang tập trung hơn vào phát triển bền vững, các doanh nghiệp cũng cần chú ý hơn.”
Đề xuất kế hoạch hành động cho các doanh nghiệp để hướng đến phát triển bền vững
HSBC đã tổng hợp một số các đề xuất nhằm giúp doanh nghiệp có thể đưa tính bền vững vào chiến lược và quy trình vận hành của mình một cách hiệu quả.
Cân nhắc cả về ngắn hạn và dài hạn: Quyết định của hôm nay sẽ ảnh hưởng đến tương lai. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu mang tính hệ thống, tác động đến tất cả chủ thể và luôn tồn tại.
Nghĩ một cách toàn diện: Xem xét lại tất cả từ việc tiêu thụ điện và sử dụng tài sản, cho đến nguồn nguyên liệu, cách đóng gói, giao hàng và việc chuẩn bị vận hành. Nghĩa là doanh nghiệp cần phải kết nối với tất cả các bộ phận trong tổ chức của mình, đưa những vấn đề xã hội và môi trường vào các quyết định kinh doanh và đầu tư.
Nghĩ đến các vấn đề toàn cầu: Hiện tượng băng tan và mực nước biển dâng cao không chỉ ảnh hưởng đến người dân Greenland và Tuvalu, mà còn tác động trực tiếp và gián tiếp đến toàn cầu, nhất là trong thế giới kết nối lẫn nhau như hiện nay.
Luôn cập nhật tình hình: Những phát triển công nghệ và cải tiến liên quan đến môi trường mang đến nhiều giải pháp thay thế giúp giảm khí thải carbon. Hãy luôn cập nhật các thay đổi của môi trường pháp lý, các lựa chọn tài trợ thương mại mang tính bền vững, các mong muốn của nhà đầu tư và khách hàng. Doanh nghiệp sẽ thấy những hành động thân thiện với môi trường không kéo xuống mà sẽ thúc đẩy lợi nhuận và danh tiếng của mình.
Hành động ngay và trở thành tấm gương điển hình cho các doanh nghiệp: Chiến lược và sản phẩm của doanh nghiệp không thể được thay đổi ngay lập tức nên hành động sớm là chìa khóa của thành công.
Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, chia sẻ: “Phát triển bền vững đang trở thành một phần không thể thiếu để tạo ra giá trị và giúp bảo đảm khả năng tồn tại lâu dài của các doanh nghiệp. Việc thiếu những hành động kịp thời có thể cản trở nghiêm trọng cơ hội tăng trưởng trong tương lai của ASEAN cũng như Việt Nam. Mặc dù đã có một số thay đổi đáng khích lệ, thời gian tới, các doanh nghiệp cần hành động nhiều hơn để đảm bảo toàn bộ hoạt động kinh doanh và chuỗi giá trị của họ mang tính bền vững.”