Một số động thái dự kiến được đưa ra trong bản cập nhật chiến lược mới đây, khi căng thẳng gia tăng giữa phương Tây và Trung Quốc đã khiến ngân hàng có trụ sở tại Hồng Kông và Anh rơi vào tình thế bấp bênh.
Các giám đốc được chuyển đến Hồng Kông có khả năng bao gồm Greg Guyett, đồng giám đốc ngân hàng và thị trường toàn cầu; Nuno Matos, giám đốc điều hành tài sản và ngân hàng cá nhân; và Barry O'Byrne, giám đốc điều hành ngân hàng thương mại toàn cầu, theo nguồn tin thân cận.
“Mục tiêu của ngân hàng là tập trung nhiều nhân sự cho thị trường châu Á tiềm năng", một nhân vật cấp cao của ngân hàng cho biết. Ông nói thêm rằng HSBC đang tái định vị để có thể phát triển nhanh hơn và có nhiều nhà lãnh đạo toàn cầu quan trọng trong khu vực.
HSBC vốn bị các nghị sĩ Anh và các chính trị gia Mỹ chỉ trích nặng nề bởi việc tán thành luật an ninh quốc gia gây tranh cãi mà Bắc Kinh áp đặt đối với Hồng Kông và đóng tài khoản của các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ.
Ông Greg Guyett. Ảnh: HSBC
Ông Barry O'Byrne. Ảnh: HSBC
Trong khi đó, HSBC lại bị truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ trích sau khi cung cấp thông tin cho công tố viên Mỹ dẫn đến việc bắt giữ giám đốc điều hành cấp cao nhất của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei.
HSBC cũng chuẩn bị thông báo rút khỏi ngân hàng tiêu dùng ở Mỹ sau kết luận rằng công ty không thể xoay chuyển tình hình với những khó khăn hiện có, một số nguồn tin cho biết.
Việc xoá sổ mạng lưới 150 chi nhánh tại Mỹ sẽ đánh dấu sự kết thúc của nỗ lực 40 năm mà HSBC triển khai một ngân hàng đầy đủ dịch vụ ở Mỹ. Bộ phận này đã thua lỗ trong ba năm qua.
Ngoài Trung Quốc, HSBC cũng muốn mở rộng sang các thị trường phát triển nhanh khác như Singapore và Ấn Độ, một nhân vật cấp cao của ngân hàng cho biết. Sau nhiều năm được chính quyền địa phương quan tâm, HSBC đang đặt nền móng cho Singapore trong tương lai, dù đây không phải là một phần trong bản cập nhật vào thứ Ba.
Áp lực từ nhà đầu tư đối với những thay đổi căn bản tăng lên do cổ phiếu của ngân hàng này có kết quả kém hơn các công ty cùng ngành. Cổ phiếu của HSBC đã giảm 43% kể từ khi Tucker nhậm chức chủ tịch vào tháng 10 năm 2017. Noel Quinn được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành vào tháng 3 năm ngoái sau vài tháng giữ chức danh quyền giám đốc.
Tập đoàn cũng đang phải đối mặt với áp lực từ các nhân viên cấp cao khi cắt giảm tiền thưởng hàng năm của họ. Tương tự nhiều công ty cho vay khác, lợi nhuận của HSBC bị sụt giảm mạnh trong năm 2020 do nợ khó đòi tăng cao trong đại dịch Covid-19 và sự giảm sút trong hoạt động khách hàng.
Một phần trong bản cập nhật chiến lược nêu ngân hàng dự kiến sẽ tăng cường các biện pháp cắt giảm chi phí, đẩy nhanh các kế hoạch đơn giản hóa cơ cấu tổ chức bộ máy và cập nhật về việc bán mạng lưới 200 chi nhánh bán lẻ của Pháp.
Các động thái này nhằm mục đích kích thích nỗ lực đại tu được công bố vào tháng 2 năm ngoái nhằm tái triển khai hơn 100 tỷ USD vốn vào châu Á và cắt giảm 35.000 việc làm.
Ông Peter Wong. Ảnh: HSBC
“Thực tế cho thấy những gì chúng tôi dự định làm vào tháng 2/2020 cần phải thực hiện khẩn trương hơn nữa,” Tucker phát biểu trong Diễn đàn Tài chính Châu Á vào tháng trước. Ông nói rằng ngân hàng cần phải "tăng tốc độ, tăng cường độ và tăng cường hiệu suất".
Quinn cũng đang trong quá trình tìm kiếm một giám đốc điều hành cấp cao mới ở châu Á, người sẽ là chìa khóa điều hướng mối quan hệ giữa ngân hàng với Trung Quốc khăng khít hơn trước khi giám đốc điều hành hiện tại Peter Wong nghỉ hưu.
Wong đã 69 tuổi và là thành viên của cơ quan cố vấn chính trị cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, người xoa dịu căng thẳng giữa ngân hàng và Bắc Kinh trong vụ bắt giữ giám đốc điều hành Huawei - Meng Wanzhou.
Các ứng cử viên tiềm năng thay thế ông bao gồm David Liao, giám đốc ngân hàng toàn cầu châu Á - Thái Bình Dương; Mark Wang, giám đốc thị trường Trung Quốc; và Louisa Cheang, giám đốc điều hành của Hang Seng - ngân hàng HSBC nắm giữ đa số cổ phần, theo nhân vật thạo tin cho biết.