HSBC vừa công bố khảo sát "HSBC Navigator: Hiện tại, tương lai và ý nghĩa với doanh nghiệp" được thực hiện với hơn 8.500 doanh nghiệp tại 34 thị trường.
Lạc quan bất chấp căng thẳng thương mại toàn cầu
Khảo sát HSBC cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam lạc quan về triển vọng kinh doanh của mình trong bối cảnh căng thẳng về chính sách thương mại toàn cầu. Hoạt động giao thương trong khu vực và phát triển kinh tế trong nước ổn định tính đến thời điểm hiện tại, dòng vốn FDI đổ vào được duy trình mạnh mẽ lý giải tại sao các doanh nghiệp Việt Nam lạc quan hơn so với các thị trường khác trên toàn cầu.
Cụ thể, 91% đối tượng khảo sát ở Việt Nam cho biết họ tin rằng triển vọng thương mại rất thuận lợi dù cho những yếu tố địa chính trị đang khiến các doanh nghiệp ở những quốc gia khác e dè hơn, so với tỷ lệ 75% các doanh nghiệp trên toàn cầu. Họ cho rằng ba yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng thương mại là môi trường kinh tế thuận lợi, chi phí vận chuyển, hậu cần và lưu kho giảm và nhu cầu về sản phẩm tăng.
Niềm lạc quan này được phản ánh qua niềm tin của doanh nghiệp Việt. 91% tin rằng họ sẽ thành công trong môi trường kinh doanh hiện tại, so với 81% doanh nghiệp toàn cầu. Nhân tố chính cho cái nhìn tích cực này đến từ niềm tin tiêu dùng, giá cả hàng hóa và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Ông Winfield Wong, Giám đốc Toàn quốc Khối dịch vụ tài chính doanh nghiệp, HSBC Việt Nam, cho biết: "Sự lạc quan của các doanh nghiệp Việt phản ánh một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, được coi là một trong những ngôi sao tại châu Á. Họ lạc quan trên cơ sở cho rằng được định vị đúng, nhờ kinh tế trong nước tăng trưởng mạnh, niềm tin về triển vọng kinh tế toàn cầu, các thỏa thuận thương mại sâu rộng và quan hệ thương mại phát triển với các thị trường lớn".
HSBC nhận định kinh tế Việt Nam tiếp tục là một trong những nền kinh tế phát triển nhất châu Á với mức tăng trưởng sản xuất trung bình năm ở mức hai con số, lĩnh vực dịch vụ cũng đạt tăng trưởng vững chắc.
Trong khi đà tăng trưởng có thể lắng xuống khi cầu đối với hàng Trung Quốc giảm và bảo hộ thương mại toàn cầu tăng cao, xuất khẩu được dự báo tăng trưởng nhanh hơn phần lớn các nước trong khu vực. Trong khi đó, kinh tế trong nước tiếp tục hưởng lợi từ du lịch đang phát triển và điều kiện thị trường lao động cải thiện.
Tổ chức tài chính này cho rằng tăng trưởng vượt bậc làm dịu nỗi lo về chính sách bảo hộ tăng cao.
Theo kết quả khảo sát HSBC, các doanh nghiệp Việt Nam có mức độ lạc quan về môi trường thương mại quốc tế cao hơn đáng kể so với trung bình trên toàn cầu. Điều này phần nào cho thấy các doanh nghiệp tin rằng căng thẳng thương mại leo thang giữ Mỹ và Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng đáng kể lên tăng trưởng.
Các doanh nghiệp tham gia khảo sát xem Nhật Bản là thị trường chính trong kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh của họ, Trung Quốc và Hàn Quốc giữ vị trí thứ hai và thứ ba.
Các hiệp định thương mại cấp vùng được cho là mang lại cơ hội mở rộng sang thị trường mới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dường như không xem vấn đề bảo hộ thương mại tăng cao trên toàn cầu là yếu tố tác động tiêu cực, ít nhất cho tới thời điểm hiện tại.
Chỉ 19% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể cản trở hoạt động doanh nghiệp trong vòng ba năm tới. Điều này phần nào phản ánh việc đẩy mạnh xuất khẩu trong tương lai trong một số lĩnh vực như dệt may và hàng điện tử khi sản xuất và nhu cầu chuyển hướng khỏi Trung Quốc.
Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp tham gia khảo sát (69%) cho rằng tư cách thành viên trong khối ASEAN mang đến nhiều lợi ích cho triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp và 65% thể hiện quan điểm tích cực về hiệp định tự do thương mại sắp tới giữa EU và Việt Nam.
Mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam khá lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu và các cơ hội thương mại, khoảng 4/5 doanh nghiệp (78%) cho rằng các chính phủ ở các thị trường khác đang trở nên ngày càng bảo hộ hơn. Tỉ lệ này cao hơn đáng kể so với tỉ lệ trên toàn cầu (63%) và tăng hơn 11 điểm phần tram so với khảo sát trước được thực hiện vào cuối năm 2017.
Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát nhìn chung có quan điểm tích cực về các chính sách thương mại với 45% doanh nghiệp cho rằng các luật định giúp tăng giá trị của doanh nghiệp và một tỉ lệ tương đương các doanh nghiệp tin rằng các chính sách thương mại nâng cao sức cạnh tranh quốc tế của họ.
"Điều này phản ánh những thay đổi tích cực gần đây nhằm cải thiện môi trường kinh doanh trong nước. Thực tế, xếp hạng quốc tế của Việt Nam trong khảo sát về chỉ số Thuận lợi Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới đã tăng 31 bậc trong năm năm qua, đạt thứ hạng 68 trong tổng số 190 quốc gia", HSBC cho hay.
Mở rộng thị trường mới gia tăng lợi nhuận
Khoảng 92% doanh nghiệp cho rằng họ kiểm soát chuỗi cung ứng của họ để đảm bảo các tiêu chuẩn về đạo đức và môi trường, mặc dù chỉ có 29% kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, gần một nửa doanh nghiệp tham gia khảo sát đặt kế hoạch kinh doanh tại các thị trường mới trong vòng ba năm tới, trong khi đó 36% doanh nghiệp có kế hoạch gia tăng ứng dụng công nghệ. Những thay đổi đối với chuỗi cung ứng được thực hiện rộng rãi nhằm nâng cao lợi nhuận/doanh thu.
Các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ có cùng mục tiêu với các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hóa. Hơn 77% doanh nghiệp đang kỳ vọng nâng cao lợi nhuận/doanh thu thông qua những thay đổi trong chuỗi cung ứng, với các chiến lược chính yếu bao gồm mở rộng ra thị trường mới cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ kỹ thuật số.
Tính bền vững về đạo đức kinh doanh và môi trường là các yếu tố rất quan trọng đối với các doanh nghiệp dịch vụ và sản xuất.
HSBC khẳng định, năng suất lao động và số hóa là các yếu tố chính hỗ trợ việc tìm kiếm khách hàng mới.
Đầu tư vào nâng cao năng lực nguồn nhân lực là ưu tiên hàng đầu của 45% doanh nghiệp tham gia khảo sát trong định hướng hoạt động tương lai của doanh nghiệp, 43% doanh nghiệp nhấn mạnh vào gia tăng năng suất và phát triển kỹ năng của nhân viên.