Dù rằng tình hình kinh tế Việt Nam nói chung khá tích cực, kinh tế Việt Nam vẫn đối diện với nhiều thách thức, nổi bật nhất phải nói đến vấn đề lạm phát, theo nhận định của ngân hàng HSBC trong báo cáo mới nhất về kinh tế Việt Nam có tên "Vietnam at a glance".
Tuy mức tăng của lạm phát giảm tốc xuống mức 2,8% so với cùng kỳ năm trước trong năm 2019 từ mức 3,5% của năm 2018, yếu tố đẩy lạm phát tăng đặc biệt gia tăng đáng lo ngại trong 2 tháng cuối của năm 2019.
Riêng trong tháng 12/2019, lạm phát tại Việt Nam tăng 5,2% so với cùng kỳ năm, cao hơn ngưỡng trần 4% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV). Kết quả, lạm phát tăng 1,4% do giá thịt lợn tăng chóng mặt bởi dịch tả lợn châu Phi.
Tính đến ngày 24/12/2019, giá thịt lợn tại Việt Nam trung bình tăng lên mức 4USD/kg, tương đương mức tăng 86% so với tháng 1/2019. Dù rằng các nhà chức trách đã cố gắng giảm thiểu tình trạng thiếu thịt lợn bằng cách tăng cung chóng mặt, giá thịt lợn tăng cao nhiều khả năng sẽ gây áp lực làm gia tăng lạm phát trong những tháng tới.
Giá thịt lợn được dự báo sẽ tăng chóng mặt do nhiều yếu tố bao gồm nhu cầu người dân tăng trong dịp Tết Nguyên đán và việc Việt Nam sẽ cạnh tranh với Trung Quốc để nhập khẩu thịt lợn. Gần đây, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc đã phần nào chững lại. Ngoài ra, việc lương tối thiểu được điều chỉnh tăng từ ngày 1/1/2020 cũng sẽ khiến cho lạm phát tăng cao.
Xét đến việc lạm phát tháng 12/2019 tăng bất ngờ, HSBC điều chỉnh dự báo lạm phát năm 2020 lên mức 3,8% (dự báo trước đây là 3,5%), khá gần với mức mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước (SBV) là 4%. Vì vậy, áp lực lạm phát tăng cao có thể làm khó quyết định chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
HSBC trước đây đã dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ hạ lãi suất 0,25% trong quý 2/2020. Tuy nhiên xét đến việc yếu tố làm tăng lạm phát đang ngày một tệ hơn, HSBC cho rằng lạm phát sẽ trên mức 4% trong quý 1/2020, và sau đó giảm xuống dưới 4% vào quý 3/2020.
Vì vậy, HSBC cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ trì hoãn việc hạ lãi suất sang quý 3/2020 khi mà lạm phát giảm tốc trở lại. Cùng lúc đó, việc lạm phát tăng cao hơn sẽ cũng có thể ảnh hưởng xấu đến nỗ lực của chính phủ trong việc cải tổ ngành y tế, bởi chi phí dịch vụ công sẽ tăng chính vì vậy làm chậm tiến độ điều chỉnh ngân sách.
Hơn thế nữa, dù rằng được coi như đối tượng hưởng lợi chính từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc, có nhiều yếu tố bên ngoài tác động đến tăng trưởng của Việt Nam. Xuất khẩu của Việt Nam hiện vượt 100% GDP (dù rằng trong đó có nhiều giá trị hàng hóa nhập khẩu) và xuất khẩu Việt Nam đặc biệt dễ chịu tác động từ nhu cầu biến đổi của ba nước xuất khẩu lớn bao gồm Mỹ, Trung Quốc đại lục và EU. Khả năng kinh tế giảm tốc trong năm 2020 chắc chắn tác động lên tăng trưởng của Việt Nam.
Hoạt động sản xuất tại các nhà máy của Việt Nam cũng đang giảm tốc. Nếu như 10 tháng đầu năm 2019, sản xuất Việt Nam tăng trưởng được 9% so với cùng kỳ thì tốc độ tăng trưởng 2 tháng cuối năm chỉ còn đạt 2,5%. Cùng lúc đó, chỉ số PMI của ngành sản xuất tháng 12/2019 chững lại xuống còn 50,8 từ 51 điểm của tháng 11/2019.