Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu Ngân hàng HSBC vừa công bố báo cáo Vietnam At A Glance tháng 7/2022, cập nhật lại các dự báo chính đối với thị trường Việt Nam. Đáng chú ý, HSBC nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 lên 6,9%, thay vì mức 6,6% trước đây; đồng thời ngân hàng này cũng hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 xuống 6,3%, từ mức 6,7%.
Theo HSBC, như nhiều quốc gia khác, những rủi ro về biến chủng Omicron đang dần qua đi và các hạn chế được nới lỏng đã tạo cơ sở để Việt Nam trở lại trạng thái bình thường. Nhờ vào phục hồi trên diện rộng, GDP quý II/2022 của Việt Nam đã tăng ngoạn mục 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành dịch vụ, vốn đã từng chịu hậu quả kinh tế nặng nề, nay cũng đã phục hồi ấn tượng. Cụ thể, những ngành dịch vụ liên quan đến du lịch và phục vụ khách hàng được hưởng lợi phần lớn từ việc tái mở cửa lâu dài. Trong khi đó, ngành sản xuất tiếp tục tăng trưởng, giúp xuất khẩu đạt đỉnh cao lịch sử.
Tuy nhiên, Bộ phận Nghiên cứu của HSBC cũng cho rằng ảnh hưởng từ giá năng lượng cao đang ngày càng rõ ràng hơn. Một mặt, giá cả hàng hóa leo thang đã dẫn đến thâm hụt thương mại trong quý II/2022, có thể khiến tình hình tài khoản vãng lai vốn không được khả quan sẽ còn trầm trọng hơn. Mặt khác, dù cho tiêu dùng gia đình đã phục hồi vững chắc, giá dầu cao sẽ có thể khiến túi tiền của người dân vơi đi nhiều, làm giảm tốc độ hồi phục thời gian qua. Thực tế, áp lực giá cả đã bắt đầu thể hiện, mặc dù vẫn ở mức độ có thể kiểm soát được so với các quốc gia khác trong khu vực.
"Với những nguyên nhân đó, chúng tôi dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,9% trong năm 2022, có khả năng đứng đầu toàn khu vực. Đồng thời, cân nhắc các rủi ro đang gia tăng, đặc biệt từ lĩnh vực năng lượng, chúng tôi cũng giảm dự báo tăng trưởng của năm 2023 xuống 6,3%", báo cáo của HSBC nhận định.
Về mặt giá cả, Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC dự báo lạm phát Việt Nam sẽ ở mức trung bình 3,5% trong năm 2022, nhưng đà lạm phát sẽ có thể tạm thời vượt mức trần 4% ở một vài thời điểm.
Theo HSBC, ảnh hưởng từ giá năng lượng cao đang ngày càng rõ ràng hơn. Một mặt, giá cả hàng hóa leo thang đã dẫn đến thâm hụt thương mại trong quý II/2022, có thể khiến tình hình tài khoản vãng lai vốn không được khả quan sẽ còn trầm trọng hơn. Mặt khác, dù cho tiêu dùng gia đình đã phục hồi vững chắc, giá dầu cao sẽ có thể khiến túi tiền của người dân vơi đi nhiều, làm giảm tốc độ hồi phục thời gian qua. Thực tế, áp lực giá cả đã bắt đầu thể hiện, mặc dù vẫn ở mức độ có thể kiểm soát được so với các quốc gia khác trong khu vực.
Dựa vào các dự báo lạm phát, HSBC cho rằng, lạm phát sẽ có thể vượt qua mức 4% kể từ quý IV/2022 đến quý II/2023, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước (SBV) cần bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ. SBV có thể sẽ bắt đầu tăng lãi suất 50 điểm cơ bản từ quý III/2022 và tăng thêm 50 điểm cơ bản mỗi quý cho đến quý III/2023. Như vậy, đến cuối năm 2023, lãi suất điều hành có thể lên đến 6,5%.
"Tóm lại, Việt Nam được hưởng lợi từ việc tái mở cửa nền kinh tế. Nhu cầu trong nước đang quay trở lại trong khi động lực bên ngoài tiếp tục thuận lợi. Tuy vậy, chúng ta cũng cần thận trọng với những rủi ro tăng cao đối với sự tăng trưởng, nhất là rủi ro từ giá năng lượng leo thang", HSBC nhận định.