Mới đây, HSBC đã công bố báo cáo cập nhật vĩ mô kinh tế Việt Nam với tiêu đề "Động cơ cũ, sức bật mới". Theo đó, báo cáo cho biết, vào đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam cho thấy sự phục hồi vững vàng. Trong tháng 2, xuất khẩu tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước nhờ các ngành khác đều tăng trưởng.
"Điều này cho thấy các yếu tố bên ngoài Việt Nam đang hừng hực khí thế", HSBC nhận định.
Mặc dù vậy, báo cáo thông tin, một bất ngờ xảy ra trong ngành điện tử liên quan đến sự kiện Samsung ra mắt điện thoại mới. Đây vốn là "cú hích" quan trọng đối với xuất khẩu của Việt Nam. Theo lịch, sự kiện này thường diễn ra vào cuối tháng 2 nhưng mẫu điện thoại chủ lực Galaxy S22 của Samsung lại có vẻ bị lỗi hẹn vì giao hàng chậm.
Xuất khẩu Việt Nam tăng ổn định trong tháng 2. Nguồn: HSBC.
Thế nhưng, các chuyên gia của HSBC đánh giá, tác động sẽ chỉ là tạm thời và các nhà đầu tư có đủ lý do để giữ tâm thế tích cực đối với động lực tăng trưởng bên ngoài của Việt Nam. Mặc dù có lúc đại dịch đã khiến sản xuất tạm thời gián đoạn, sự quan tâm dành cho Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao. Ví dụ, gần đây Samsung vừa "bơm" 920 triệu USD để mở rộng hoạt động sản xuất linh kiện điện thoại ở Thái Nguyên.
"Nhờ nguồn FDI ổn định trong nhiều năm đổ vào ngành sản xuất công nghệ, Việt Nam đã vươn mình trở thành một công xưởng sản xuất của thế giới", báo cáo khẳng định.
Bên cạnh đó, báo cáo cho rằng, trong bối cảnh giá dầu tăng cao, thương mại của Việt Nam đã bị tác động rõ rệt. Cụ thể, nhập khẩu xăng dầu trong tháng 2 tăng gần gấp đôi mức trung bình một tháng của năm 2021.
HSBC nhận định, xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp diễn khi Bộ Công thương ban hành Quyết định về việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm 2,4 triệu mét khối trong quý 2/2022. Nguyên nhân là Việt Nam đang gặp tình trạng thiếu hụt nguồn cung xăng dầu trong nước sau khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đang phải cắt giảm công suất xuống còn 80% và tạm ngưng nhập khẩu dầu thô từ tháng 1. Ngoài tăng nhập khẩu, Chính phủ cũng lên kế hoạch bán đấu giá hơn 100 triệu lít xăng dự trữ quốc gia.
Chi phí vận chuyển tăng tiếp tục thúc đẩy lạm phát. Nguồn: HSBC.
Giá nhiên liệu tăng sẽ tác động trực tiếp đến giá tiêu dùng. Lạm phát tăng 1,4% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do chi phí vận chuyển tăng trên 15% so với cùng kỳ năm trước, và xu hướng này đã kéo dài được một thời gian. Cụ thể, giá xăng được điều chỉnh tăng 6 lần liên tiếp từ đầu tháng 12. Mặc dù vậy, hiệu ứng cơ sở thấp phần nào xoa dịu những khó khăn trước mắt.
"Tất nhiên, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam vẫn cần đặc biệt lưu tâm đến những rủi ro về lạm phát vì giá hàng hóa tăng là vấn đề xảy ra trên diện rộng chứ không chỉ xoay quanh nhiên liệu", báo cáo nhận định.