HSBC đưa ra lời khuyến nghị với các doanh nghiệp là tận dụng lãi suất đang ở mức thấp để đầu tư những dự án dài hạn, nhưng phải đảm bảo về mặt tài chính để tránh rủi ro. Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn, HSBC Việt Nam tại hội thảo với chủ đề “Triển vọng kinh tế Việt Nam 2018 – Số hóa: Tương lai của doanh nghiệp” nhận định, tỷ giá giữa đồng đô la Mỹ và Việt Nam năm 2018 sẽ tương đối ổn định. Tỷ giá cuối kỳ dự báo ở mức 22.900 đồng/đô la, cao hơn 200 đồng/đô la so với năm 2017. Cơ sở của nhận định này, theo ông Khoa là việc dòng vốn đi vào Việt Nam tiếp tục tốt như năm 2017. Năm ngoái, dự trữ ngoại hối và nguồn cung đô la Mỹ lớn nhờ dòng vốn đầu tư nước ngoài và các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) tăng. Trong số này, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nền kinh tế là 13-14 tỉ đô la, hoạt động M&A mang đến 6 tỉ đô la... Vốn đi vào lớn, về lý thuyết sẽ khiến đồng Việt Nam tăng giá so với đồng đô la Mỹ. Nhưng Chính phủ muốn hỗ trợ xuất khẩu nên tỷ giá năm qua cũng như thời gian tới sẽ tiếp tục ổn định, chấp nhận đồng Việt Nam yếu đi so với đồng đô la Mỹ. Ông Khoa cũng cho rằng, tỷ giá năm 2018 của Việt Nam vẫn sẽ ổn định, dù Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được dự báo tăng lãi suất ba lần trong năm. Bằng chứng là ngày 22-3, khi Fed tăng lãi suất thêm 0,25%, thị trường trong nước cũng không biến động. Riêng về dòng vốn từ M&A trong năm 2018, có nhiều yếu tố tác động đến thị trường. Thứ nhất là triển vọng tốt của nền kinh tế. Thứ hai là quyết tâm thoái vốn của Chính phủ ở các doanh nghiệp nhà nước. Số lượng doanh nghiệp mà nhà nước sẽ thoái vốn năm 2018 là 181, cao hơn 46 đơn vị so với năm 2017. Việc thoái vốn là cơ hội để cơ cấu tại doanh nghiệp, tăng năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh. Việc bán vốn tại doanh nghiệp không những giúp Nhà nước có thêm nguồn thu mà còn giảm được ngân sách để trợ cấp, qua đó giảm được nợ công. Vì vậy, theo ông Khoa, vấn đề với việc thoái vốn là phải bán những gì người ta muốn mua chứ không phải là bán thứ mình có. Quan trọng không kém là bán với giá phù hợp. Câu chuyện của Vinamilk hay Sabeco trong năm 2017 là minh chứng cho điều đó. Về lạm phát, HSBC Việt Nam đánh giá sẽ chịu nhiều áp lực từ các mặt hàng như lương thực, thực phẩm và xăng dầu. Đây là hai mặt hàng có khả năng tăng trong năm. Xăng dầu thì phụ thuộc vào giá thế giới. Trong khi đó, nhóm lương thực thực phẩm vốn có mức lạm phát thấp trong năm 2017 dù chịu tác động mạnh của lũ lụt (vì năm 2016 trước đó đã tăng cao) cũng có nhiều khả năng tăng trong năm 2018 và tác động ngay lên lạm phát chung. Các nhóm mặt hàng khác như giáo dục, y tế cũng có khả năng tăng nhưng đây lại là các yếu tố mà Nhà nước có thể điều chỉnh được. Ông Khoa cho rằng, lạm phát có khả năng vượt mức chỉ tiêu 4% vào khoảng tháng 6, tháng 7 nhưng cuối năm sẽ về mức 3,7%. Và với bối cảnh như vậy, lãi suất tiền đồng được dự báo tiếp tục ổn định. Lãi suất chính sách cuối kỳ ở mức 6,25%, tương đương năm 2017. |