Theo đó, Việt Nam đã thành công trong việc chuyển đổi thành nền sản xuất công nghệ chủ chốt nhờ vào dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ổn định đổ vào lĩnh vực sản xuất công nghệ, đồng thời giành được thị phần đáng kể tỏng xuất khẩu điện thoại và chip xử lý.
Chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường Đông Nam Á tại HSBC, bà Yun Liu nhấn mạnh: "Việc chuyển hướng chuỗi cung ứng đã làm gia tăng mối quan tâm của các đại gia công nghệ tại Việt Nam, một xu hướng có thể đang bị dịch Covid-19 làm chững lại nhưng sẽ không dừng lại".
Ngoài ra, theo báo cáo, việc nắm bắt tốt các cơ hội trong tương lai vẫn là nhiệm vụ ưu tiên của các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt khi Việt Nam muốn tham gia sâu vào chuỗi giá trị. Liên quan đến điều này, bà Yun Liu khẳng định, nhiệm vụ đầu tiên là nâng cao năng suất lao động thông qua giáo dục, đào tạo tay nghề có chất lượng tốt hơn và được thiết kế phù hợp hơn.
Bà nhận định: "Xét cho cùng, một tỷ lệ lớn (33%) lực lượng lao động vẫn ở nhóm nghề không có tay nghề do vẫn còn thiếu lao động có trình độ để thăng tiến lên các vị trí cao hơn. Do vậy, các biện pháp như cải thiện giáo dục đại học và phát triển các chương trình đào tạo theo ngành cụ thể cho công nhân kỹ thuật chỉ là một số ví dụ cần thiết để trang bị tốt hơn cho nguồn nhân lực của mình".
Bên cạnh đó, theo đại diện HSBC, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Việt Nam luôn ở mức cao, nhưng chất lượng vẫn thua các nền kinh tế ASEAN khác, cản trở tiềm năng sản xuất của Việt Nam.
Trước đó, nhóm nghiên cứu HSBC đã chỉ ra hợp tác công - tư (PPP) là một giải pháp lý tưởng để cân bằng giữa nhu cầu cơ sở hạ tầng ngày càng tăng của Việt Nam và gánh nặng nợ công. "Việc thực hiện hiệu quả Luật PPP sửa đổi sẽ là chìa khóa để thu hút các nhà đầu tư tư nhân vào các dự án lớn này", bà Yun Liu cho hay.