Theo báo cáo “Navigator: hiện tại, tương lai và ý nghĩa đối với doanh nghiệp” của ngân hàng HSBC, các doanh nghiệp bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của các chính sách bảo hộ ngày càng tăng nhưng vẫn khá lạc quan về triển vọng giao thương quốc tế của họ.
Các doanh nghiệp hiện đang chú trọng vào tăng trưởng khi trong số 6.000 công ty được khảo sát trên toàn cầu, 77% lạc quan về triển vọng kinh doanh quốc tế và kỳ vọng khối lượng thương mại sẽ tăng trong 12 năm tới. Tại Việt Nam, con số này là 90%, cao hơn đáng kể so với trung bình thế giới.
Báo cáo cho rằng, lý do đằng sau sự tự tin này đến từ việc các doanh nghiệp tin vào nhu cầu từ người tiêu dùng đối với hàng hóa của họ ngày càng tăng (33%), điều kiện kinh tế thuận lợi (31%) và khả năng tận dụng công nghệ tốt hơn (22%) là ba yếu tố thúc đẩy tăng trưởng.
Các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng cho rằng nhu cầu của người tiêu dùng tăng (40%) và điều kiện kinh tế thuận lợi (42%) là hai yếu tố chính giúp tăng trưởng trong khi yếu tố thứ ba là việc giảm chi phí vận chuyển, hậu cần và kho bãi. Việt Nam không nằm trong 10 thị trường với tỷ lệ cao doanh nghiệp cho rằng việc ứng dụng công nghệ sẽ dẫn đến tăng trưởng kinh doanh.
Châu Á Thái Bình Dương được dự báo là khu vực có tăng trưởng mạnh nhất trên toàn thế giới trong vòng 3-5 năm tới và châu Âu là khu vực quan trọng thứ hai.
Liên quan đến kế hoạch tăng trưởng trong tương lai, 62% các doanh nghiệp kỳ vọng nhu cầu cho tài trợ thương mại tăng. 88% doanh nghiệp tại Việt Nam đồng ý với quan điểm này, 86% kỳ vọng khả năng tiếp cận nguồn vốn sẽ tăng theo.
Các doanh nghiệp cho rằng ba thách thức chính để đạt được nhu cầu về tài trợ vốn là chi phí giao dịch cao (52% doanh nghiệp Việt Nam đồng ý), bất ổn tỷ giá (44% doanh nghiệp Việt Nam đồng ý nhận định này) và môi trường chính trị. Nhờ vào sự ổn định chính trị, Việt Nam không nằm trong 10 thị trường có tỷ lệ cao doanh nghiệp cho rằng môi trường chính trị là thách thức lớn.
61% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng các chính phủ đang ngày càng trở nên bảo hộ đối với các nền kinh tế trong nước. Nhận định này được thể hiện mạnh mẽ nhất tại các doanh nghiệp ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi (70%), và châu Á Thái Bình Dương (68%). Tại Việt Nam, 67% doanh nghiệp đồng ý với nhận định cho rằng các chính phủ đang ngày càng trở nên bảo hộ.
Để vượt qua thử thách, phần lớn các doanh nghiệp đang tìm kiếm đối tác thương mại trong khu vực để phát triển cơ hội kinh doanh, với 74% các hoạt động giao thương tại châu Âu và châu Á Thái Bình Dương sẽ được thực hiện trong nội vùng. Xu hướng này sẽ được tiếp tục khi các hoạt động giao thương trong khu vực được ưu tiên trong các kế hoạch mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp trong 3-5 năm tới. Việt Nam sẽ tập trung vào các đối tác thương mại chính tại châu Á và Mỹ là đối tác lớn ngoài châu Á.
Về tác động của các chính sách thương mại, những chính sách giúp tăng cường kết nối trong khu vực như sáng kiến ‘Con đường và Vành đai’ của Trung Quốc (40%) và chiến lược ASEAN 2025 (37%) được cho là có tác động tích cực lên giao thương quốc tế.
Các doanh nghiệp tại Việt Nam xem ASEAN 2025 (74%) và CPTPP (63%) là hai chính sách thương mại hàng đầu có tác động tích cực lên hoạt động kinh doanh của họ. Đối với hiệp định CPTPP vừa ký gần đầy, 50% doanh nghiệp Việt Nam cho rằng có sự liên quan đáng kể đến doanh nghiệp của mình.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, cho biết: “Việt Nam phát triển ổn định qua các thời kỳ khó khăn và tiếp tục duy trì là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á. Các doanh nghiệp tại Việt Nam tin rằng môi trường kinh tế thuận lợi và nhu cầu về sản phẩm tăng là những yếu tố chính giúp tăng trưởng giao thương với các thị trường".
Theo ông Hải, nhân công chi phí thấp, môi trường kinh doanh cải thiện và việc áp dụng các thỏa thuận thương mại như EVFTA và CPTPP được xem là những điểm mạnh tiếp tục khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
"Với tất cả những thuận lợi này, Việt Nam đang ở vị thế khá thuận lợi để nắm bắt các cơ hội đến từ tăng trưởng về thương mại và đầu tư", CEO HSBC nhấn mạnh.
Ngoài việc hỗ trợ các chính sách ủng hộ thương mại của chính phủ như RCEP và tầm nhìn ASEAN 2025 cũng như hiểu rõ ý nghĩa của các hiệp định thương mại như CPTPP, ông Hải cho rằng các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược để nâng cao giá trị trong chuỗi cung ứng, áp dụng các công nghệ kỹ thuật số, hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước và dần giảm sự phụ thuộc vào thế mạnh nhân công chi phí thấp để có thể nắm bắt được các lợi ích đến từ xu hướng này một cách bền vững nhất.