Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) vừa lên tiếng về việc hứa xem xét bỏ Thông tư số 21/2017 nhưng không thực hiện.
Theo đó, Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết đã có trao đổi với Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các viện nghiên cứu chuyên ngành, tổ chức đánh giá sự phù hợp và đơn vị tổ chức có liên quan, thông tin về phát sinh chi phí từ quá trình áp dụng Thông tư số 21/2017 so với Thông tư 37/2015 của Bộ Công Thương là không có cơ sở, không đúng với thực tế.
Đối với thông tin Bộ Công Thương đã hứa xem xét về việc bỏ Thông tư số 21 tuy nhiên không thực hiện, việc nghiên cứu xem xét bỏ Thông tư số 21 "chỉ là ý kiến đề xuất ban đầu của một số doanh nghiệp, không phải ý kiến chính thức của Bộ Công Thương".
"Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cầu thị, lắng nghe những ý kiến phản hồi về việc thực hiện Thông tư 21 để kịp thời hướng dẫn, xử lý các vướng mắc phát sinh nếu có. Trong trường hợp cần thiết, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, rà soát và có phương án xử lý thích hợp trên cơ sở đảm bảo lợi ích người tiêu dùng", Bộ Công Thương cho hay.
Để tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và thực hiện quy định của Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa phù hợp với xu thế phát triển của thế giới theo hướng chuyển phương thức quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, Bộ Công Thương đã xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyde và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may tại Thông tư số 21/2017 thay thế Thông tư 37/2015.
Tuy nhiên, sau gần 2 tháng triển khai thực hiện, Bộ Công Thương đã nhận được một số phản hồi từ Hiệp hội Dệt may, doanh nghiệp, các cơ quan,… Theo kế hoạch, Bộ Công Thương đã tổ chức làm việc với Hiệp hội Dệt may, các cơ quan quản lý nhà nước, viện nghiên cứu chuyên ngành và các đơn vị có liên quan về việc thực hiện Thông tư 21. Tại cuộc họp này, các bên đã thống nhất sự cần thiết ban hành Thông tư 21 để kiểm soát hàm lượng formaldehyde và các amin thơm trong sản phẩm dệt may.
Bộ này khẳng định sự cần thiết của việc kiểm soát hàm lượng formaldehyde để bảo vệ sức khỏe, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Cụ thể, theo các nghiên cứu khoa học, formaldehyde có tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo, chỉ với hàm lượng thấp formaldehyde mà cơ thể con người tiếp xúc thường xuyên trong thời gian dài sẽ gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng cho sức khoẻ như có khả năng gây ung thư nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là ung thư đường hô hấp như mũi, họng, phổi...
"Chính vì những tác hại nêu trên mà hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành các Luật, Quy chuẩn kỹ thuật quy định chặt chẽ để kiểm soát mức giới hạn hàm lượng formaldehyde trong sản phẩm tiêu dùng. Việt Nam cũng đã ban hành quy định kiểm soát này tại Thông tư 37/2015/TT-BCT", Bộ Công Thương cho hay.
Trước đó, ngày 12/10/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký Thông tư bãi bỏ quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may.