Đi cùng với cuộc chiến này là mối bận tâm về an ninh quốc gia và các khoản lợi nhuận kếch xù.
Được công bố vào tháng 12-2017, Chiến lược An ninh quốc gia Mỹ cho rằng cả Trung Quốc và Nga "thách thức quyền lực, ảnh hưởng và lợi ích của Mỹ, tìm cách làm xói mòn an ninh và thịnh vượng của Mỹ".
Dù Bắc Kinh bác bỏ mạnh mẽ nhận định này, sẽ không có chuyện Washington cho phép Huawei hoặc bất kỳ công ty viễn thông Trung Quốc nào tiếp cận các dự án được xem là quan trọng đối với tương lai của nền kinh tế Mỹ như công nghệ 5G.
Cũng vì lý do này, cùng với chuyện không muốn làm trái ý Washington, một số quốc gia khác không muốn Huawei tham gia triển khai công nghệ 5G tại nước mình.
Một thiết bị 5G của Huawei bên ngoài một triển lãm ở thủ đô Bangkok - Thái Lan hôm 30-1. Ảnh: REUTERS
Không nên đánh giá thấp tác động của công nghệ 5G đối với sự phát triển kinh tế quốc gia và toàn cầu. Khi internet kết nối vạn vật (IoT), được định nghĩa đơn giản là một mạng lưới các thiết bị có thể "nói chuyện" với nhau qua internet, ngày càng trở nên quan trọng trong những thập kỷ tới, nó sẽ tạo ra sự gia tăng theo cấp số nhân của dung lượng dữ liệu truyền đi.
Tốc độ truyền dữ liệu cao mà công nghệ 5G mang lại sẽ giúp dung lượng dữ liệu khổng lồ này được truyền đi trơn tru và nhanh chóng. Do vấn đề an ninh quốc gia, cả Mỹ và Trung Quốc khó có thể cho phép bên còn lại tiến quá gần công nghệ đóng vai trò trụ cột trong kỷ nguyên IoT sắp tới.
Lợi ích tài chính cũng là một yếu tố quan trọng khác. Theo quan điểm của Washington, các công ty Mỹ như Amazon, General Electric, IBM và Microsoft đều sẵn sàng cung cấp các nền tảng IoT để hưởng lợi từ sự chuyển đổi công nghệ này của nền kinh tế toàn cầu.
Điều khiến Mỹ đau đầu nhất hiện nay là Huawei đang dẫn đầu thị trường toàn cầu về công nghệ 5G. Vì thế, sự phản đối của Mỹ đối với Huawei chỉ mới là cuộc giao tranh đầu tiên trong cuộc chiến lâu dài giữa Bắc Kinh và Washington trong lĩnh vực công nghệ .
Neal Kimberley, cây bút của Báo South China Morning Post.