Huawei đã đệ đơn kiện Mỹ về đạo luật liên bang cấm các cơ quan chính phủ mua thiết bị của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc. Nguyên đơn cho rằng việc đệ trình này là vi hiến và đẩy công ty đứng trước những áp lực chính trị.
Vụ kiện của Huawei được đệ trình hôm 7/3 theo giờ địa phương, tập trung vào một điều khoản trong đạo luật được biết đến với cái tên National Defense Authorization Act (NDAA). Mục 889 của đạo luật cấm các cơ quan chính phủ điều hàng mua sắm phần cứng của Huawei và một công ty viễn thông khác của Trung Quốc là ZTE. Cả hai doanh nghiệp này đều bị nêu đích danh.
Tuy nhiên, các luật sư của Huawei, nhà sản xuất thiết bị mạng lớn nhất thế giới theo doanh thu, lập luận rằng quy định của đạo luận NDAA đã vi phạm hiến pháp Mỹ.
Huawei đang phải đối mặt với những áp lực mạnh mẽ từ chính quyền của Tổng thống Donald Trump. Mỹ cáo buộc Huawei sử dụng chính những phần cứng của họ để hỗ trợ các hoạt động gián điệp của Chính phủ Trung Quốc. Gã khổng lồ công nghệ này cũng đang phải đối mặt với những cáo buộc hình sự từ Bộ Tư pháp Mỹ. Nó cụ thể là đánh cắp bí mật thương mại và phớt lờ các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran. Mỹ cũng đang thuyết phục các đồng minh chống lại việc sử dụng thiết bị của Huawei.
Các lãnh đạo hàng đầu của Huawei, bao gồm cả người sáng lập Nhậm Chính Phi đều nhiều lần bác bỏ những cáo buộc liên quan đến bảo mật. Song hành cùng với những chiến dịch PR lớn để thay đổi hình ảnh bản thân, công ty Trung Quốc cũng đang tiến hành một cuộc chiến pháp lý, nhằm vào cả Canada và Mỹ, để bảo vệ mình.
Huawei lập luận rằng quy định trong NDAA là vi hiến bởi một đạo luật lập pháp, tuyên bố một cá nhân hay nhóm cụ thể nào phạm tội và trừng phạt họ mà không dựa trên thủ tục pháp lý nào là vi hiến. Các luật sư của Huawei lập luận rằng Mục 889 là bất hợp pháp vì nó vi phạm quyền tố tụng của Huawei, điều khiến họ bị tước mất quyền nghe các chứng cứ và chiến đấu chống lại những cáo buộc trước tòa.
Về cơ bản, đội ngũ pháp lý của Huawei lập luận rằng nếu thông qua đạo luật này, Quốc hội Mỹ sẽ vi hiến dù là một cơ quan lập pháp.
Tòa án liên bang cấp Quận, nơi thụ lý hồ sơ, sẽ đưa ra phán quyết rằng vụ kiện của Huawei có được đưa ra xét xử hay không. Cả hai phía, Huawei và Chính phủ Mỹ, đều có quyền kháng cáo với quyết định của tòa. Một tòa án có quyền vô hiệu hóa một phần của luật mà không làm ảnh hưởng tới toàn bộ đạo luật đó. Vì thế, về lý thuyết, Huawei có thể làm vô hiệu hóa Điều 889.
Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc hy vọng rằng bằng cách loại bỏ Điều 889 của NDAA sẽ mở ra cơ hội đàm phán với chính phủ Mỹ. Đã từ lâu, Huawei lập luận rằng sự vắng mặt của họ trên thị trường Mỹ sẽ cản trở sự cạnh tranh với thế hệ tiếp theo của mạng di động, một tuyên bố khiến nhiều chuyên gia tranh cãi.
Huawei cũng đang sử dụng cuộc chiến pháp lý ở mặt trận khác. Giám đốc tài chính Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, con gái nhà sáng lập Nhậm Chính Phi, bị bắt ở Canada tháng 12 năm ngoái và bị buộc tội vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran. Mạnh Vãn Chu phải đối mặt với việc bị dẫn độ về Mỹ nhưng các luật sư của bà Mạnh đang kiện chính quyền Canada, cho rằng việc bắt giữ, giam giữ và xét xử việc dẫn độ vi phạm các quyền của bà.
Vụ kiện của Huawei nhằm vào chính phủ Mỹ cũng có một số điểm tương đồng với một vụ kiện năm 2018 liên quan đến một công ty an ninh mạng của Nga. Tháng 9/2017, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã yêu cầu các cơ quan chính phủ ngừng sử dụng phầm mềm diệt virus Kaspersky kèm cáo buộc nó có thể bị Nga sử dụng làm công cụ do thám. Lệnh cấm này sau đó được phê chuẩn thành luật.
Kaspersky đã đệ hai đơn kiện chống lại chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, cả hai vụ kiện đã bị thẩm phán bác bỏ hồi tháng 5. Đơn kháng cáo của họ tiếp tục bị bác bỏ vào tháng 8.