Dù rằng chất lượng ảnh chụp của P30 Pro nói riêng và smartphone Huawei nói chung vẫn rất gây tranh cãi, có một sự thật không thể chối bỏ rằng gã khổng lồ Trung Quốc này đã góp phần nâng cao sức cạnh tranh trong lĩnh vực "nhiếp ảnh smartphone". Từ camera kép, nhận diện cảnh vật AI, cảm biến RYYB cho đến tính năng zoom "khủng" 50X trên dòng smartphone "P", Huawei đã tạo ra những chiếc camera phone thực sự khác biệt.
Nhưng khi người tiêu dùng toàn cầu còn đang băn khoăn nên lựa chọn P30 Pro thay cho iPhone XS Max hay Galaxy S10+ không thì nước Mỹ đã quyết định thay họ. Tháng trước, Tổng thống Trump ra lệnh cấm các công ty Mỹ tuyệt đối không được hợp tác trên bất kỳ một lĩnh vực nào với Huawei. Cả Microsoft, Intel, ARM... đều đã tuân theo lệnh cấm, nhưng đáng kể nhất là Google: không còn quyền hợp tác với ông chủ Android, smartphone Huawei bán ra ngoài Trung Quốc sẽ phải dùng rom của Huawei tự phát triển và không được đi kèm Google Play hay bất kỳ dịch vụ Google nào khác.
Gần như chắc chắn, thị phần Huawei chắc chắn sẽ bốc hơi. Ai đủ yêu smartphone Trung Quốc để chấp nhận cuộc sống không có Google? Người Trung Quốc thì hoàn toàn có thể, nhưng các nước khác thì chưa chắc.
Không còn Huawei, cuộc chiến nhiếp ảnh smartphone trở lại với thế tam mã: Apple, Samsung và Google. Người dùng có thể chờ đợi Apple khoe thêm một tính năng AI mới mẻ nào đó, chờ Samsung khoe máy ảnh có thêm camera và chờ Google làm những điều không tưởng. Nhưng sẽ không còn ông lớn nào có thể đe dọa đến 3 kẻ dẫn đầu...
Có thể nói rằng, lệnh cấm của ông Trump đã xảy đến vào một thời khắc cực kỳ có lợi cho Sony. Bao lâu nay, Sony vẫn là nhà sản xuất cảm biến thống trị thị trường smartphone (46%, gấp đôi kẻ về nhì Samsung) và vẫn là thế lực đi đầu trong làng MLC. Nhưng đáng tiếc rằng Sony vẫn chia năm sẻ bảy, các mảng khác không chịu hợp tác với mảng smartphone, và kết quả là Xperia đã luôn mờ nhạt trước tất cả các đối thủ trong suốt nửa thập kỷ vừa qua.
Đến năm nay, mọi chuyện thay đổi. Mảng di động được sáp nhập vào mảng máy ảnh Alpha. Thành công hay thất bại của những chiếc Xperia giờ lại phụ thuộc vào những người làm nên máy ảnh Alpha. Và họ bắt tay vào cuộc, để đưa Xperia trở về với vị trí xứng đáng: vua nhiếp ảnh smartphone.
Thành quả tạo ra là "Xperia 1", chiếc smartphone tập trung những thế mạnh truyền thống của gã khổng lồ Nhật Bản, từ phim ảnh, âm thanh cho đến camera. Trên lĩnh vực ảnh chụp, Xperia 1 tỏ ra cực kỳ đáng gờm khi tổng hợp một loạt các thế mạnh như bộ 3 camera (1 góc rộng, 2 thiếu sáng), engine BIONZ từ máy ảnh Alpha, công nghệ lấy nét Eye AF (tự động lấy nét vào mắt người), lấy nét tự động diode-kép, Optical SteadyShot kết hợp chống rung quang học và điện tử...
Chưa bao giờ smartphone Sony lại bắt kịp smartphone Samsung về ảnh chụp trong cùng một năm. Cũng chưa bao giờ smartphone Sony lại được quy tụ một loạt các tính năng chụp ảnh cao cấp đến vậy.
Thậm chí, đó vẫn chưa phải là tất cả những gì Sony có thể làm được. Theo một nguồn tin rò rỉ đáng tin cậy, Sony còn đang phát triển cả một chiếc smartphone có bộ 6 camera. Chưa rõ bộ 6 camera này sẽ bao gồm những thành phần nào, nhưng chắc chắn một mẫu smartphone 6 camera được tạo thành bởi "cha đẻ" của máy ảnh Alpha sẽ tạo ra một tiếng vang lớn trong làng "nhiếp ảnh smartphone".
Một tiếng vang như vậy chính là những gì người dùng cần để lấp đi chỗ trống của Huawei. Một tiếng vang như vậy cũng lại là những gì Sony cần để hồi sinh Xperia. Năm vừa qua, thị phần smartphone của Sony đã tiếp tục bốc hơi, smartphone Sony đã bị rút khỏi một loạt thị trường quốc tế (bao gồm Việt Nam). Chìa khóa duy nhất để trở lại là tham gia vào cuộc đua "nóng" nhất, "hot" nhất trên mảnh đất di động: cuộc đua nhiếp ảnh smartphone.
Google từ con số 0 đã thu hút sự chú ý chỉ bằng khả năng chụp ảnh của Pixel. Cha đẻ của máy ảnh Alpha, ông chủ của thị trường cảm biến chẳng lẽ lại không thể địch lại Apple và Google? Thiên thời đã đến, chỉ mong lần này Sony sẽ thực sự đặt quyết tâm giành lấy chiến thắng mà thôi.