Bước qua cánh cổng dẫn đến khuôn viên rộng lớn của công ty Huawei Technologies tại miền nam Trung Quốc, bạn sẽ thấy một số lượng lớn nhân viên đang di chuyển với tốc độ "điên cuồng". Những ô tô minivan màu xanh neon chở công nhân đi lại giữa các toà văn phòng phóng nhanh quanh khu vực đồng hồ. Đèn tuýp được bật cho tới khi trời sáng. Căng tin cho nhân viên cũng mở cửa đến nửa đêm.
Công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc đã phát triển dựa trên "văn hoá chó sói". Văn hoá làm việc hết sức khắc nghiệt này lại càng được áp dụng mạnh mẽ khi Huawei ở trong một cuộc chiến với Tổng thống Trump, họ phải chống chọi với nỗ lực "tẩy chay" khỏi thị trường, khách hàng của ông Trump, khiến cho tham vọng phát triển công nghệ quan trọng bị ngắt quãng. Do đó, Huawei giờ đây phải sản xuất những sản phẩm của riêng mình.
Nhân viên Huawei tại trụ sở Thâm Quyến đang di chuyển tới căng tin.
Theo nguồn tin thân cận, Huawei phân chia công việc cho khoảng 10.000 nhà phát triển để liên tục làm việc trong 3 ca mỗi ngày, tại các trụ sở ở Thượng Hải, Thâm Quyến và Tây An. Mục đích là nỗ lực để loại bỏ sự phụ thuộc vào phần mềm và chip của Mỹ. Từ bảo vệ cho tới tài xế, tất cả mọi người trong công ty đều tham gia vào cuộc đấu này và được bảo rằng phải giữ vững tinh thần khi công ty đối mặt với áp lực chính trị và thị trường. Huawei đã từ chối bình luận về việc này.
Nguồn tin này tiết lộ, kỹ sư ở một số nhóm thậm chí chưa về nhà trong vài ngày. Ngoài ra, ở những sản phẩm khác, các nhà phát triển đang nỗ lực làm việc cải tiến ăng ten ở trạm gốc - một sản phẩm mà các công ty Mỹ như Rogers sản xuất cho thị trường mà họ chiếm ưu thế, và điều chỉnh thiết kế của toàn bộ trạm gốc 4G - cạnh tranh với các sản sản phẩm từ Ericsson và Nokia.
"Đó không phải là câu hỏi liệu chúng tôi có thể chiến thắng hay không. Đây là một cuộc chiến về việc Trung Quốc đang phát triển một ngành công nghệ truyền thông độc lập" - một kỹ sư Huawei, đứng đầu nhóm nghiên cứu và phát triển nhỏ chịu trách nhiệm sản xuất các chip truyền thông, cho biết.
Trên một diễn đàn trực tuyến cho nhân viên, có một dòng chữ được đăng tải: "Những chiến binh mặc áo giáp vàng sẽ không bao giờ về nhà cho đến khi họ đánh bại được ông Trump!"
Các nhân viên mới đang được đào tạo tại Đại học Hoa Vĩ ở Đông Hoản.
Động thái của chính phủ Mỹ có thể đã thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của Huawei. Công ty này là nhà cung cấp thiết bị mạng hàng đầu thế giới và nhà cung cấp thiết bị smartphone lớn thứ hai sau Samsung. Lệnh cấm của Mỹ đang khiến các nhà sản xuất chip từ Mỹ đến châu Âu cảm thấy bối rối, khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đe doạ. Hơn nữa, điều này còn có thể gây trục trặc cho việc ra mắt công nghệ 5G trên toàn thế giới - một công nghệ quan trọng trong phát triển xe tự lái cho tới robot phẫu thuật.
Sau lệnh trừng phạt của Mỹ, Huawei cho biết họ đã dự trữ đủ chip và các thành phần quan trọng khác để duy trì hoạt động kinh doanh trong ít nhất 3 tháng. Một trong số 180.000 nhân viên Huawei vẫn lạc quan rằng Bắc Kinh sẽ giải quyết được mâu thuẫn với Washington. Những ý kiến khác thì tin tưởng chính phủ Trung Quốc sẽ can thiệp bằng cách hỗ trợ vốn hoặc thay đổi chính sách để giúp công ty.
Hôm 17/5, cùng ngày Huawei bị Mỹ đưa vào "danh sách đen", Trung Quốc tuyên bố miễn thuế cho các công ty thiết kế chip và phần mềm địa phương. Điều này có nghĩa là HiSilicon - bộ phận sản xuất chip của Huawei, sẽ không phải trả bất kỳ khoản thuế nào trong 2 năm tới.
Tuy nhiên, tâm lý lo ngại đã lan rộng khắp các văn phòng Huawei từ Tokyo cho tới Sydney. Một trong số các nhân viên chia sẻ: "Chúng tôi không thể phủ nhận rằng động thái của Mỹ gây ra ảnh hưởng tiêu cực, bởi những tin xấu về Huawei xuất hiện mỗi ngày. Nhưng các nhân viên ở Nhật Bản đang ổn định tinh thần và chúng tôi vẫn cố gắng làm việc như bình thường. Một số khách hàng còn cổ vũ cho chúng tôi."
Việc 180.000 nhân viên của Huawei củng cố tinh thần rất nhanh chóng cùng câu biểu ngữ trên diễn đàn của họ là minh chứng cho sự cứng rắn của Chủ tịch Nhậm Chính Phi. Tỷ phú Nhậm Chính Phi là một cựu kỹ sư quân đội, được người Trung Quốc cực kỳ khâm phục bởi ông xây dựng Huawei từ hai bàn tay trắng - một công ty có mức doanh thu lớn hơn cả Alibaba và Tencent cộng lại.