Việc kinh doanh của Huawei tại Mỹ khó khăn hơn sau cáo buộc tập đoàn này đang gây ra những rủi ro về an ninh quốc gia và quyền riêng tư của người tiêu dùng nơi đây. Nhà Trắng đã bổ sung Huawei vào danh sách đen xuất khẩu, ngăn cản họ mua các linh kiện từ các nhà cung cấp quan trọng của Mỹ.
Đối diện với thử thách này, Huawei khẳng định vẫn "ổn" nếu buộc phải rời khỏi Mỹ, nhưng đó không phải là con đường mà họ muốn đi và đang tìm kiếm cơ hội thoả hiệp với chính phủ Mỹ. Huawei cũng tự tin rằng những rào cản của Mỹ không làm chậm các nỗ lực phát triển của tập đoàn tại những quốc gia, khu vực khác.
Huawei là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất và hãng bán điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới. Mỹ mặc dù chỉ chiếm một phần rất nhỏ nhưng lại là rất tiềm năng cho đà tăng trưởng kinh doanh điện thoại thông minh của Huawei.
Một phần quan trọng trong nỗ lực của Huawei là Futurewei, cơ sở nghiên cứu và phát triển của tập đoàn này tại Mỹ. Đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển, Huawei đã rót hàng triệu đô vào Futurewei trong gần hai thập kỷ. Các trung tâm nghiên cứu cho phép Huawei khai thác những nguồn lực không chỉ ở Mỹ mà còn nhanh chóng mở rộng trên toàn thế giới, đẩy mạnh đổi mới công nghệ và trở thành người dẫn đầu trong việc thúc đẩy mạng 5G.
Hoạt động nghiên cứu và phát triển của Huawei tại Mỹ
Đầu những năm 2000, Huawei đã thực hiện một chiến lược "toàn cầu hóa" rộng rãi trong nỗ lực chuyển hình ảnh từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Trung Quốc sang tập đoàn dịch vụ di động toàn cầu như ngày nay. Theo tinh thần này, Huawei đã thành lập các cơ sở hoạt động tại Plano, Texas, vào năm 2001 và bắt đầu xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển trên toàn nước Mỹ.
Năm 2011, Huawei đã đánh dấu kỷ niệm 10 năm hoạt động tại Mỹ với cơ sở nghiên cứu và phát triển Futurewei rộng 200.000 m2 tại Santa Clara, California, bao gồm các phòng thí nghiệm nghiên cứu tiên tiến nhằm tập trung phát triển các giải pháp truyền thông thế hệ mới cho khách hàng Mỹ đồng thời hỗ trợ các nỗ lực nghiên cứu và phát triển của Huawei trên toàn cầu.
Nhưng tham vọng của tập đoàn này ở Mỹ, đặc biệt là Futurewei, đã bị cản trở sau khi Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ công bố một báo cáo tuyên bố tập đoàn này đang gây ra những rủi ro về an ninh quốc gia và quyền riêng tư của người tiêu dùng. Huawei từ lâu đã phủ nhận những cáo buộc này.
Trước những lo ngại về an ninh an toàn, vào tháng 5, Nhà Trắng đã bổ sung Huawei và 69 doanh nghiệp liên kết vào danh sách đen xuất khẩu, hạn chế các công ty Mỹ bán linh kiện cho họ mà không có giấy phép. Bộ Thương mại tuần trước đã gia hạn miễn trừ tạm thời, nhưng chủ yếu giới hạn trong việc cho phép bán các bộ phận của sản phẩm hiện hành - không phải là sản phẩm mới. Mỹ cũng đã thêm 45 chi nhánh Huawei vào danh sách đen.
Hoạt động kinh doanh tại Mỹ của Huawei bị ảnh hưởng trên nhiều mặt: cấm mua linh kiện từ các nhà cung cấp quan trọng của Mỹ như Google, Intel và đe dọa doanh số thiết bị viễn thông của họ tại đây. Futurewei tại Mỹ không thể chuyển tài sản trí tuệ hoặc bí mật thương mại cho trụ sở của Huawei tại Trung Quốc hoặc các chi nhánh trong danh sách đen khác trên toàn thế giới.
Những kết quả nghiên cứu và phát triển của Futurewei không thể triển khai thành các sản phẩm mới cho Huawei. Futurewei buộc phải sa thải 600 nhân viên, chiếm khoảng một nửa tổng lực lượng lao động của công ty tại Mỹ, đóng cửa một số văn phòng và đang mất dần quan hệ hợp tác với các trường đại học Mỹ.
Mặc dù các khoản đầu tư vào Mỹ chiếm một phần tương đối nhỏ trong tổng ngân sách nghiên cứu và phát triển, nhưng chúng phản ánh tầm quan trọng của sự hiện diện tại quốc gia hội tụ tài năng công nghệ, đầu tư mạo hiểm và nghiên cứu chuyên sâu này. Huawei có nguy cơ tổn thất không nhỏ nếu bị chặn hoàn toàn cơ hội phát triển tại Mỹ.
Đối diện với thử thách này, Huawei khẳng định sẽ ổn nếu họ buộc phải rời khỏi Mỹ, nhưng đó không phải là con đường mà họ muốn đi và đang tìm kiếm cơ hội thoả hiệp với chính phủ Mỹ để đưa ra giải pháp phù hợp.
Những thách thức cho tương lai của Huawei
Nhân viên Futurewei còn lại sẽ tập trung vào việc hoàn thành các dự án đã được tiến hành trong khi phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Hiện tại, tài sản trí tuệ của các dự án này sẽ vẫn nằm ở Mỹ chờ cơ hội Huawei thỏa hiệp được với Nhà Trắng. Tuy nhiên, khả năng này khá mong manh. Có nghĩa là các khoản đầu tư liên tục của Huawei vào nghiên cứu và phát triển tại Mỹ sẽ chẳng đi đến đâu. Huawei đã đầu tư 500 triệu đô la vào Futurewei năm 2018 và lên kế hoạch đầu tư 600 triệu đô la vào năm 2019 trước khi bị đưa vào danh sách đen.
Gần đây, nhiều trường đại học như MIT, Stanford, Princeton, San Diego California và một số trường khác đã chấm dứt các hoạt động hợp tác nghiên cứu và phát triển với Huawei vì các mối quan tâm an ninh quốc gia và danh sách đen xuất khẩu. Stanford cho biết Huawei đã từng là thành viên của hai chương trình nghiên cứu tại trường đại học này, một về trí tuệ nhân tạo và một tập trung giải quyết các vấn đề kỹ thuật phức tạp. Cơ hội hình thành các mối quan hệ đối tác như vậy là một trong những lý do Huawei đầu tư xây dựng các cơ sở nghiên cứu và phát triển tại Mỹ - nơi có một cộng đồng lớn các nhà nghiên cứu, tài trợ, các trường đại học và cơ hội để thử nghiệm các công nghệ khác nhau.
Tuy nhiên, Huawei khẳng định những rào cản ở Mỹ không làm chậm các nỗ lực phát triển của tập đoàn tại những quốc gia, khu vực khác. Tập đoàn này vẫn có quan hệ đối tác nghiên cứu với hơn 300 trường đại học trên toàn cầu và đang bắt đầu nghiên cứu về 6G - thế hệ tiếp theo của công nghệ mạng không dây, tại Canada.