Chính quyền tiểu bang Hawaii (Mỹ) đang tiến hành sơ tán khu vực đảo Big Island sau nhiều đợt phun trào của ngọn núi lửa Kilauea và động đất kéo dài tuần qua, gây nguy hiểm cho tính mạng của hàng nghìn người dân, phá hủy nhà cửa và cơ sở hạ tầng.
Theo quan chức Hawaii, hàng chục nghìn người dân đã được yêu cầu sơ tán. Hiện tại, các khối dung nham phun trào đang chảy về phía các khu dân cư. Dù dung nham di chuyển rất chậm, nhưng theo nhà núi lửa học của Cục khảo sát địa chất Mỹ (USGS) - Wendy Stovall, cư dân tại đây vẫn nên hết sức cảnh giác.
"Dung nham nóng tới mức có thể thiêu đốt mọi thứ trước khi nó chạm vào", Stovall nói với CNN.
Dòng dung nham đang chảy về phía khu dân cư - Ảnh: CNN.
Bà Stovall cho biết các đợt phun trào từ núi lửa Kilauea chạm độ cao 70m chỉ sau 15 phút bắt đầu phun trào từ một khe nứt mới vào đêm thứ 7 tuần trước. Theo USGS, kể từ đợt phun trào đầu tiên vào cuối ngày thứ 5 tuần trước, đến nay đã có khoảng 10 khe nứt như vậy.
Núi lửa phun trào như pháo hoa với cột dung nham cao 70m - Video: Big Island Video News.
Talmadge Magno - đại diện Cơ quan Dân phòng hạt Hawaii cho biết đến nay đã có ít nhất 26 ngôi nhà bị phá hủy. Không chỉ nhà cửa, cơ sở hạ tầng bị thiêu hủy, dung nham còn đốt cháy cây cối và các thảm thực vật, dẫn tới nguy cơ xảy ra các vụ nổ do khí metan.
Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn phớt lờ yêu cầu sơ tán - điều mà Stovall gọi là một sai lầm nghiêm trọng bởi họ có thể bị ngộ độc khí sulfur dioxide.
"Những người không chịu sơ tán đang đặt bản thân vào nguy cơ ngộ độc khí sulfur dioxide vốn đang ở nồng độ nguy hiểm", bà Stovall nó và cho biết khí này có thể gây bỏng mũi, cổ họng và "tắc nghẽn đường thở".
Dung nham chảy xuống đường phố gần một khe nứt ở Leilani Estates, phía đông núi lửa Kilauea hôm 5/5 - Ảnh: Reuters.
Chưa hết, trong tuần qua, Hawaii đã phải hứng chịu hơn 1.000 trận động đất. Dù đa số là các trận động đất nhẹ và ít gây thiệt hại, một cơn động đất 6,9 độ richter - mạnh nhất kể từ năm 1975, hôm thứ 6 tuần trước đã gây ảnh hưởng tới hơn 14.000 người dân.
Các nhà địa chất học cho rằng những gì đang diễn ra giống sự kiện vào năm 1955 khi hoạt động phun trào núi lửa kéo dài tới 88 ngày và phủ dung nham lên diện tịch rộng tới hơn 1.600 hecta.
Theo USGS, tại Hawaii, động đất và phun trào núi lửa thường xảy ra đồng thời. Hầu hết các cơn động đất là do dung nham chuyển động bên trong các núi lửa. theo Cơ quan quan sát núi lửa Hawaii, quần đảo này có 6 núi lửa đang hoạt động.