CTCP Hùng Vương (mã chứng khoán HVG) vừa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên (cho niên độ tài chính bắt đầu từ 1/10 và kết thúc vào 30/9 năm sau) với nhiều kết quả lệch so với số liệu trên BCTC công ty tự lập trước đó.
Doanh thu điều chỉnh giảm 288 tỷ đồng
Cụ thể, doanh thu thuần 2 quý đầu năm đạt 4.992 tỷ đồng, giảm 288 tỷ đồng so với số liệu công ty tự lập. Trong đó riêng doanh thu thuần hàng xuất khẩu bị điều chỉnh giảm 47 tỷ đồng, còn lại chủ yếu giảm ở mảng thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng, chế biến thủy sản.
Tuy nhiên nhờ giá vốn cũng giảm nên lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 118 tỷ đồng, vẫn tăng nhẹ so với số gần 117 tỷ đồng công ty tự lập.
Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 56 tỷ đồng
Sau soát xét ghi nhận các công ty liên doanh liên kết mang lại số lỗ hơn 11 tỷ đồng thay cho số lãi hơn 11 tỷ đồng như công ty tự lập.
Ngoài ra, khoản chi phí quản lý doanh nghiệp sau soát xét bị điều chỉnh tăng 56 tỷ đồng, lên trên 121,7 tỷ đồng chủ yếu do công ty phải trích lập dự phòng hơn 50,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó khoản chi phí thuế thu nhập hiện hành ghi âm gần 51 tỷ đồng thay vì ghi dương trên 45 tỷ đồng như báo cáo công ty tự lập.
Hùng Vuong bị điều chỉnh tăng lỗ lên thêm 116 tỷ đồng
Những lý do chính trên dẫn đến Hùng Vương ghi nhận lỗ sau thuế nửa đầu năm 2018 sau soát xét gần 380 tỷ đồng, tăng lỗ thêm 116 tỷ đồng so với báo cáo công ty tự lập. Riêng số lỗ ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ sau soát xét hơn 377 tỷ đồng, tăng lỗ thêm 208 tỷ đồng so với số liệu công ty tự báo cáo.
Tính đến 31/3/2018 tổng cộng tài sản của Hùng Vương giảm 3.160 tỷ đồng so với đầu kỳ, còn 10.716 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả giảm được 2.821 tỷ đồng, xuống còn 8.557 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu còn 2.158 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu là 2.270 tỷ đồng. Với kết quả sau soát xét, Hùng Vương ghi nhận còn lỗ lũy kế hơn 697 tỷ đồng tính đến 31/3/2018.
Nếu trích lập dự phòng đúng quy định, lỗ sau thuế tăng thêm 77 tỷ đồng
Trên BCTC soát xét, kiểm toán viên còn đưa ra ý kiến ngoại trừ về việc Hùng Vương chưa trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi số tiền 96,7 tỷ đồng. Nếu thực hiện trích lập dự phòng khoản này theo đúng quy định thì chi phí quản lý doanh nghiệp và lỗ trước thuế cho kỳ kế toán này sẽ tăng thêm số tiền hơn 96,7 tỷ đồng. Đồng thời khản mục dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi và lỗ lũy kế đến hết 31/3/2018 sẽ tăng lên với số tiền tương ứng 96,7 tỷ đồng và hơn 77 tỷ đồng. Và theo đó khoản lợi ích cổ đông không kiểm soát giảm đi số tiền gần 19,7 tỷ đồng.
Giải trình về khoản trích lập dự phòng này, phía Hùng Vương cho rằng Tập đoàn đã trao đổi với các khách hàng, và Ban giám đốc đánh giá rằng các công nợ nói trên vẫn có khả năng thu hồi do tình hình kinh doanh sản phẩm cá tra đang rất thuận lợi. Khách hàng cũng cam kết về lộ trình thanh toán công nợ vì thế Hùng Vương không trích lập dự phòng khoản nêu trên.
Kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục do nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn
Kiểm toán cũng đưa ra vấn đề cần nhấn mạnh rằng trên cơ sở giả định Tập đoàn sẽ tiếp tục hoạt động, thì trong kỳ kế toán từ 1/10/2017 đến 31/3/2018 Tập đoàn đã phát sinh gần 380 tỷ đồng lỗ, nâng tổng lỗ lũy kế đến cuối kỳ lên trên 697 tỷ đồng và tổng nợ ngắn hạn của Tập đoàn cũng vượt quá tài sản ngắn hạn là gần 750 tỷ đồng. Các điều này dẫn đến yếu tố trọng yếu cho thấy sự nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.
Giải trình về vấn đề này Hùng Vương cho rằng Tập đoàn đang trong quá trình tái cơ cấu lại hoạt động kinh doanh bao gồm cả việc thanh lý một số khoản đầu tư và tài sản cố định như việc bán 100% vốn tại Thực phẩm Sao Ta ghi nhận lãi hơn 213 tỷ đồng; thoái vốn tại Thức ăn chăn nuối Việt Thắng (trên 50%) ghi nhận lãi hơn 187,2 tỷ đồng; thanh lý BĐS tại công ty con, lô đất 765 Hồng bàng, HCM ghi nhận lãi hơn 229 tỷ đồng.
Bên cạnh đó công ty cũng đã đóng cửa một số cửa hàng, nhà máy chế biến thủy sản hoạt động không hiệu quả; thỏa thuận với ngân hàng về vốn… Ban giám đốc tin rằng Tập đoàn sẽ khắc phục được khoản lỗ lũy kế hiện tại và do đó BCTC sẽ được lập trên cơ sở hoạt động liên tục.