Năm 2018 có thể coi là năm thành công cho nền xuất khẩu thủy sản Việt Nam với tổng kim ngạch đạt gần 9 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước. Đặc biệt là xuất khẩu cá tra, thiết lập mức cao kỷ lục 20 năm với kim ngạch đạt 2,3 tỷ USD, tăng 27%. Diện tích nuôi trồng cá tra toàn quốc đâu đó đạt 5.400 ha trong năm 2018, tăng 3,3%; khối lượng thu hoạch đạt 1,42 triệu tấn, tăng 8,4%. Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tăng trưởng vượt bậc của ngành cá tra có được là nhờ sự cộng hưởng từ nhiều yếu tố, bao gồm nền tảng giá cao thiết lập sau năm 2017, nhu cầu tăng tại các thị trường lớn, bản thân doanh nghiệp cũng ý thức nâng cao chất lượng, chủ động nguồn cung, đa dạng hoá sản phẩm…
Trong bối cảnh nhu cầu tiếp tục lên cao, nhiều chuyên gia kỳ vọng sự phát triển của cá tra sẽ tiếp tục vào năm 2019 khi sản lượng trên toàn thế giới dự kiến đạt 3 triệu tấn, tăng 4,6% so với năm trước. Đặc biệt là thị trường Trung Quốc với nhiều dư địa khi nhu cầu tiêu thụ cực kỳ lớn, hay thị trường Mỹ cùng nhiều điểm sáng từ rào cản thương mại đang được cắt giảm.
Chưa kể, cá tra Việt Nam còn được dự báo hưởng lợi từ làn sóng các FTAs, cũng như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Tổng kim ngạch xuất khẩu theo đó ước tính đạt mức 2,4 tỷ USD, tương ứng diện tích nuôi tăng lên 5,5 triệu ha với sản lượng khoảng 1,47 triệu tấn, dự báo bởi Tổng cục Thuỷ sản.
Hùng Vương tham vọng quay lại ngôi vương
Phía doanh nghiệp trong ngành sau một năm làm ăn khấm khá, cũng tự tin bước vào năm 2019 với kế hoạch kinh doanh tương đối lạc quan. Đơn cử Thuỷ sản Hùng Vương, sau nhiều năm vật lộn với khó khăn, ĐHĐCĐ thường niên năm nay phía Chủ tịch Dương Ngọc Minh khẳng định mạnh mẽ kế hoạch 100 tỷ lợi nhuận năm 2019 là kịch bản tồi tệ nhất. Tức, thực tế theo vị này có thể tốt hơn nhiều lần nếu kỳ rà soát POR14 mức thuế Mỹ áp cho Hùng Vương đúng với kỳ vọng Công ty. Và nếu thành công trong đợt này, thậm chí ông Minh thẳng thắn từ chối dòng vốn ngân hàng – cái mà khiến Công ty đau đầu suốt thời gian qua – vốn lúc này người đứng đầu Hùng Vương tự tin có thể huy động đủ từ khách hàng, đối tác.
Kế hoạch Hùng Vương trình ĐHĐCĐ thường niên năm nay.
Không phủ nhận Hùng Vương thời gian qua chật vật tái cơ cấu và mất rất nhiều cơ hội từ thị trường. Tuy nhiên, năm 2019 nếu thành công trong đợt POR14 vào tháng 4 sắp tới, đi cùng bối cảnh thị trường thuận lợi, Hùng Vương khẳng định sẽ nhanh chóng quay lại vị trí đứng đầu ngành, doanh thu hằng năm đạt 20.000 tấn, xuất khẩu cá tra không dưới 3 triệu USD.
Hiện, Hùng Vương chia sẻ vẫn hoạt động với lượng cá đủ sản xuất cho đến tháng 7, song song Công ty cũng đang để dành tiền cho đến tháng 4-5 có kết quả tốt sẽ dồn lực đẩy mạnh nuôi trồng. Về POR14, Hùng Vương cho biết đã dồn lực rất nhiều và mức độ thành công tính đến hiện tại đạt 80%, 20% còn lại tính rủi ro về chính trị, trong đó tình hình chính trị theo đánh giá rất tốt trên cơ sở quan hệ Việt – Mỹ.
Navico với kế hoạch 700 tỷ lãi ròng
Một đơn vị vừa quay trở lại khác, Navico (ANV) sau nhiều năm liền đầu tư ngoài ngành và thua lỗ. Lợi thế tự chủ vùng nuôi, Navico ít chịu ảnh hưởng bởi giá nguyên liệu tăng mạnh trong năm 2018, ngược lại còn thu lợi với mức lãi ròng cả năm tăng 4 lần năm 2017, đạt 600 tỷ đồng. Chưa dừng lại, đặt kế hoạch cho năm 2019, Navico dự doanh số 6.000 tỷ, lãi sau thuế 700 tỷ; Công ty cũng ước tính con số lợi nhuận 2020 dự chạm mốc 1.000 tỷ đồng.
Cơ sở cho kỳ vọng của Navico thứ nhất đến từ ngành cá tra tăng trưởng nói chung, đi cùng việc đầu tư sản xuất, vùng nuôi đem lại cho đơn vị này một năm kinh doanh lạc quan. Mới đây, Công ty chính thức khởi công Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thuỷ sản Bình Phú có quy mô 600 ha, vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng. Dự kiến khi đi vào hoạt động, dự án sẽ sản xuất 200.000 tấn cá tra nguyên liệu/năm, mục tiêu xuất khẩu 100%.
Được biết, động thái này nằm trong chiến lược mở rộng và đa dạng hoá thị trường tiêu thụ cá tra thời gian tới của Navico. Chia sẻ bởi Chủ tịch HĐQT Navico, ông Doãn Tới cho biết: "Vấn đề cốt lõi của ngành chế biến cá tra là sự thiếu hụt về con giống, dẫn đến thiếu hụt cá tra nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, qua đó khiến giá cá tra tăng 66% trong 3 năm qua. Việc khép kín quy trình sản xuất để hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm là việc cần thiết. Khi dự án đi vào hoạt động, tổng xuất khẩu của Navico kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi lên khoảng 250-300 triệu USD/năm, riêng dự án này đóng góp khoảng 150 triệu USD".
Trọng tâm phát triển sản phẩm
Hay ông lớn Vĩnh Hoàn, với lợi thế từ việc ổn định các thị trường xuất khẩu lớn, năm 2019 Công ty mục tiêu tập trung cung cấp sản phẩm phile cùng chuỗi sản phẩm, hướng đến những phân khúc thị trường khác biệt. Với lợi thế về cơ sở vật chất, hệ thống nông trại được chứng nhận quốc tế, song song một số dịch vụ cung cấp, Công ty dự kiến mức giá cao hơn mặt bằng chung. Đầu năm nay, Công ty vừa góp 45% vốn, tương đương 22,5 tỷ đồng để thành lập Công ty TNHH Sản xuất Giống cá tra Vĩnh Hoàn.
Về hoạt động kinh doanh, Vĩnh Hoàn cũng kết thúc năm 2018 với kết quả viên mãn, doanh thu 9.323 tỷ, tương ứng mức lợi nhuận sau thuế 1.452 tỷ, gấp 2,4 lần năm trước. Đáng chú ý, phụ phẩm Collagen và Gelatin ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2018, với tổng giá trị xuất khẩu trị giá 11,2 triệu USD, gấp đôi kết quả năm 2017.
Trong bản tin IR tháng 1 vừa công bố, Công ty ghi nhận kim ngạch xuất khẩu đạt 31.5 triệu USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Vĩnh Hoàn, giá thành sản phẩm quý đầu năm nay suy giảm trong khi giá nguyên liệu đi ngang so với quý 4/2018, tuy nhiên sự sụt giảm trên vẫn có thể được bù đắp bằng cách gia hạn hợp đồng dài hạn.
Một ưu điểm khác, theo kết quả sơ bộ cho đợt xét POR 14 mới nhất cho khoảng thời gian từ 1/8/2016-31/7/2017, Vĩnh Hoàn cũng tiếp tục không thuộc diện các doanh nghiệp bị xét trong đợt POR 14 và tiếp tục được hưởng mức thuế 0%.