Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 86/QĐ-TTg ngày 14/2/2023 phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đến năm 2040.
Theo Quyết định, phạm vi lập Quy hoạch chung đô thị Văn Giang được thực hiện trong địa giới hành chính của huyện Văn Giang. Cụ thể, phía Bắc giáp huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Phía Nam giáp huyện Khoái Châu và huyện Yên Mỹ. Phía Đông giáp huyện Văn Lâm. Phía Tây giáp sông Hồng và thành phố Hà Nội.
Quy mô lập quy hoạch gồm toàn bộ diện tích tự nhiên huyện Văn Giang 7.194,82 ha. Theo dự báo, đến năm 2040, đô thị Văn Giang có khoảng 363.000 người.
Đô thị Văn Giang có tính chất là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục - đào tạo của khu vực; là đầu mối giao thông, giao lưu quan trọng của vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Theo định hướng phát triển không gian, đô thị Văn Giang được phân thành 3 phân vùng, gồm: Vùng đô thị hóa tập trung, xung quanh vùng đô thị hóa tập trung và vùng ngoài đê.
Trong đó, vùng đô thị hóa tập trung là phần diện tích chọn đất xây dựng các khu đô thị được xác định trên cơ sở mở rộng của thị trấn Văn Giang hiện nay và gắn kết với 2 khu đô thị lớn là Ecopark và Dream City, gồm từng phần hoặc toàn bộ địa phận hành chính các xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao, Long Hưng, Liên Nghĩa, Nghĩa Trụ.
Tiếp đến là vùng xung quanh vùng đô thị hóa tập trung. Đây sẽ là các vùng đệm phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, logistic, thương mại, dịch vụ….
Vùng bãi ngoài đê được định hướng phát triển đô thị sinh thái, dịch vụ du lịch, cảnh quan môi trường, gắn với các khu dân cư hiện hữu được cải tạo, nâng cấp, nông nghiệp sinh thái.
Theo quy hoạch, khu trung tâm đô thị Văn Giang được xây dựng tại khu vực phía Nam đường vành đai 3,5 vùng Thủ đô (thuộc địa bàn thị trấn Văn Giang, xã Long Hưng), diện tích khoảng 40ha. Trong khi đó, trung tâm hành chính cấp xã giữ nguyên vị trí hiện nay.
Văn Giang định hướng đẩy mạnh phát triển du lịch trải nghiệm. Cụ thể, đô thị Văn Giang sẽ phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, giá trị cảnh quan sinh thái, môi trường; đẩy mạnh phát triển du lịch tham quan, trải nghiệm văn hóa; mở rộng phát triển du lịch cuối tuần gắn với sinh thái, trang trại, nông nghiệp nông thôn, vui chơi giải trí để đa dạng hóa sản phẩm du lịch và góp phần thu hút khách du lịch; phát triển du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, thể thao cao cấp và ẩm thực cuối tuần tại khu đô thị sinh thái Ecopark kết hợp du lịch cộng đồng, tham quan làng hoa, cây cảnh ven sông Hồng.
Trong khi đó, công nghiệp được đinh hướng phát triển theo hướng công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, từng bước phát triển công nghiệp công nghệ cao…