Số người mới tương đương số ra
Tại họp báo mới đây do BHXH Việt Nam tổ chức, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, nhiều người lao động bị mất việc làm trong khi đời sống khó khăn, cơ hội tiếp tục tham gia BHXH cũng chưa rõ ràng. Điều đó đẩy họ tới bước phải làm chế độ để hưởng chính sách BHXH một lần, tức họ đã từ bỏ việc có lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu. Đây cũng là vấn đề rất nóng xảy ra thời gian gần đây mà người lao động lẫn các nhà hoạch định chính sách, cơ quan bảo hiểm đều lo ngại.
Phó trưởng ban Quan hệ lao động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện nay số lượng người lao động làm chế độ để nhận trợ cấp 1 lần đang tăng cao. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2018, đã có gần 300.000 người được BHXH Việt Nam giải quyết chế độ BHXH một lần. Và theo thống kê, những năm gần đây, bình quân mỗi năm có khoảng 700.000 người làm thủ tục BHXH hưởng chính sách trợ cấp 1 lần, đồng nghĩa với việc họ ra khỏi hệ thống BHXH. Ông Quảng cho biết, tổng số người xin ra khỏi hệ thống an sinh xã hội gần bằng số người mới vào hệ thống BHXH bắt buộc.
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh, việc người lao động hưởng BHXH một lần là thực tế đáng lo ngại, Vì chắc chắn, khi người lao động tham gia BHXH lâu dài, quyền lợi càng tốt hơn, đó là lợi ích của nguyên tắc đóng - hưởng. Tại Nghị quyết 28 của Trung ương về cải cách BHXH cũng nêu rõ 11 cải cách lớn để phục vụ an sinh cho người lao động tốt hơn. Như vậy, về tương lai quyền lợi người lao động sẽ còn tốt hơn, đặc biệt với người lựa chọn ở lại hệ thống, còn chính sách sẽ sửa đổi với một số đối tượng ngắn hạn quyền lợi sẽ hạn chế hơn.
Lo lao động lớn tuổi rút bảo hiểm một lần
Phó Trưởng ban Quan hệ lao động Lê Đình Quảng lo ngại với tình trạng người lao động trên 35-40 tuổi bị chủ sử dụng lao động đào thải, trong khi tuổi họ đã cao, sức khỏe giảm sút nên khó xin được việc làm mới để tiếp tục tham gia BHXH. Điều đó cũng đẩy nhiều người lao động tới với lựa chọn hưởng BHXH một lần. Theo ông Quảng, tại diễn đàn Quốc hội cũng từng tranh cãi về hiện tượng này có thật không? “Tôi khẳng định đây là xu hướng có thật” - Phó trưởng ban Quan hệ lao động nói. Ông Quảng dẫn báo cáo của các cấp công đoàn và khảo sát của Viện Công nhân công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), đều ghi nhận thực tế đó. Đồng thời, số liệu của các trung tâm giải quyết trợ cấp thất nghiệp đã minh chứng cho sự thật này. Như ở Hà Nội, trong tổng số hơn 10.000 người lao động đi làm trợ cấp thôi việc, có trên 90% là người trên 35 tuổi. Mới đây, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đi khảo sát tại Cty Minh Phú ở tỉnh Hậu Giang, họ có khoảng 15.000 lao động, nhưng 4 năm gần đây công ty chỉ có 1-2 người về hưu. Điều đó chứng tỏ hầu hết người lao động khi cao tuổi họ đã phải nghỉ việc, chứ không làm được tới lúc nghỉ hưu”, ông Quảng nói.
Điều đó cho thấy, sa thải lao động lớn tuổi là hiện tượng có thật trong quan hệ lao động hiện nay. Đa số người lao động phải nghỉ trước tuổi, thậm chí là nghỉ việc quá sớm ở tuổi 35-40 làm việc tại các doanh nghiệp sử dụng rất nhiều lao động, như dệt may, da giày, thủy sản… Theo ông Quảng, có 2 lý do dẫn tới thực tế trên, một là đến tuổi 35-40, người lao động không còn đủ sức khỏe để làm việc trong môi trường làm việc của các ngành nghề đó, nên họ phải tự nghỉ việc; hai là một số doanh nghiệp tìm mọi cách để vận động, hoặc buộc người lao động thôi việc vì theo thâm niên doanh nghiệp sẽ phải trả lương cao hơn, tiền đóng bảo hiểm cũng cao hơn. Trong khi đó, lao động cao tuổi muốn tăng ca tăng kíp rất khó.
Theo đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mất việc khi tuổi đã cao, người lao động không có cơ hội quay lại thị trường lao động, phải nhận BHXH một lần. Điều này cũng làm tăng tình trạng người lao động muốn nhận trợ cấp BHXH một lần. Ngoài ra, những người này khi thôi việc ở doanh nghiệp, khu vực có quan hệ lao động, rất khó tìm việc ở nơi khác để tiếp tục tham gia BHXH, nên họ muốn nhận trợ cấp BHXH một lần.
Trong khi đó, điều kiện sống của người lao động còn rất khó khăn, kể cả khi đi làm chưa nói sau khi mất việc. Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trên 52% người lao động phải làm thêm giờ mới đủ trang trải cuộc sống, chỉ có 16% người lao động có tích lũy. “Khảo sát nhiều năm đều cho con số như vậy”, ông Quảng nói. Do thu nhập lúc còn đi làm chỉ đủ trang trải cuộc sống, nên khi thôi việc không có thu nhập, cuộc sống khó khăn, nên người lao động phải xin nhận trợ cấp BHXH một lần.
Quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không mong muốn người lao động nhận BHXH một lần, nên đồng tình với quan điểm cần quy định chặt chẽ hơn với chính sách hưởng BHXH một lần. Đại diện cơ quan này cho rằng, tuy biết sửa theo hướng này xiết điều kiện hưởng BHXH một lần quyền lợi của người sẽ hạn chế, nhưng vì an sinh lâu dài cần phải thực hiện cải cách. “Khi cải cách chính sách BHXH, có một số quyền lợi của người lao động sẽ bị xiết lại, như hưởng BHXH một lần, nhưng các chính sách khác lại nới ra, như giảm điều kiện hưởng lượng hưu… Nên về tổng thể, đa số người lao động vẫn được hưởng lợi từ các cải cách tới đây”, ông Quảng nói.
Theo BHXH Việt Nam, lũy kế tới hết tháng 5/2018, cả nước có 13,79 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 240.000 người tham gia BHXH tự nguyện; 11,6 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, và 81,3 triệu người tham gia bảo hiểm y tế. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2018, BHXH Việt Nam đã giải quyết 49.765 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; giải quyết 296.916 người hưởng trợ cấp BHXH một lần; hơn 3,9 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; hơn 70,6 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.