Sau cú giảm lịch sử xuống mức âm trong đợt bùng phát dịch Covid-19 hồi quý đầu năm 2020, giá dầu thô thế giới đang dần hồi phục trước triển vọng mới về kinh tế sau khi dịch bệnh được kiểm soát nhờ vắc-xin; cũng như động thái tiếp tục kiềm chế nguồn cung của các nhà sản xuất.
Bước sang quý đầu năm 2021, nhu cầu tăng cao do yếu tố thời tiết càng thúc đẩy mạnh đà tăng trưởng của giá dầu. Chốt phiên giao dịch ngày 15/2, dầu thô Brent tăng 1,1% lên 63,13 USD/thùng, trong phiên có lúc đạt 63,76 USD/thùng – cao nhất kể từ ngày 22/1/2020. Đặc biệt, dầu thô Tây Texas WTI tăng 63 US cent lên 60,1 USD/thùng, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 8/1/2020 (60,95 USD/thùng).
Được biết, sự bùng nổ mới nhất trên thị trường năng lượng xuất hiện giữa bối cảnh cái rét đang thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu, đồng thời đe dọa làm giảm sản lượng ở Texas. Trong đó, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến sản xuất dầu ở Canada, Bắc Dakota, Oklahoma, Texas và nhiều nơi khác, thậm chí nhiều giếng dầu có thể tạm ngừng hoạt động.
Mùa đông vẫn chưa dừng lại, chuyên gia toàn cầu dự báo sắp có một cơn bão tuyết lớn sẽ đổ bộ và làm đóng băng toàn bộ khu vực đồng bằng phía Nam, thung lũng Ohio đến phía Đông Bắc. Cùng với những lý do chủ quan, thời tiết cũng góp phần thúc đẩy đà tăng của giá dầu những tháng gần đây và kéo dài trong thời gian tới, giới quan sát nhận định.
Tại Việt Nam, giá dầu tăng đem lại sự lạc quan cho nhóm doanh nghiệp dầu khí, sau một năm nhiều biến cố. Là một trong số các ngành khá nhạy cảm với giá nguyên liệu, cổ phiếu họ "P" thông thường phản ứng cực nhanh trước những tín hiệu mới.
Ghi nhận, dòng dầu khí đã bật tăng mạnh trở lại từ cuối tháng 1/2021, sau đợt sóng liền trước trong quý 4/2020. Trước triển vọng giá dầu, ngành dầu khí cũng được giới đầu tư đặc biệt quan tâm và "chọn mặt gửi vàng" cho năm 2021.
Đầu tiên phải kể đến Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí, mã PVD đã tăng gấp đôi thị giá kể từ vùng đáy vào cuối tháng 10/2020. Hiện, PVD đang giao dịch tại mức 21.200 đồng/cp và đang bật tăng mạnh trở lại, thanh khoản dồi dào với trung bình lên đến 12 triệu đơn vị được giao dịch.
Được biết, PVD hoạt động thượng nguồn, cụ thể là khai thác dầu khí và đảm nhiệm hầu hết các dịch vụ khoan tại các mỏ dầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Công ty cũng tham gia hoạt động trên trường quốc tế. Theo đó, giá dầu tăng kéo theo triển vọng về tiền thuê và hiệu suất, tác động trực tiếp lên chỉ số kinh doanh của Công ty.
Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) cũng hưởng lợi mạnh từ giá dầu tăng. Tuy nhiên, so với PVD, theo giới phân tích PVS sẽ ít chịu ảnh hưởng của giá dầu vì lĩnh vực hoạt động đa dạng (tàu, cảng, kho nổi, cơ khí dầu khí…).
Ngược lại, chủ trương tập trung đầu tư các dự án dầu khí lớn trước nhu cầu về LNG cho ngành điện đã và đang đem lại triển vọng cho PVS. Với kinh nghiệm khai thác tại các dự án lớn như: Sao Vàng Đại Nguyệt, Kho LNG Thị Vải… PVS có nhiều cơ hội để trúng thầu các dự án, thúc đẩy chỉ số kinh doanh tăng trưởng tại tất cả các mảng, đặc biệt là hoạt động xây lắp và cơ khí.
Trên thị trường, PVS chốt phiên cuối năm tại mức 18.800 đồng/cp, tức tăng gần 20% chỉ sau 2 tuần và tăng hơn 58% từ đầu tháng 10/2020. Thanh khoản cải thiện mạnh với hàng triệu cổ phiếu được "sang tay" mỗi phiên.
Ở diễn biến khác, chuyên thu gom khí tại các mỏ và phân phối lại cho các doanh nghiệp khác trên thị trường, Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (GAS) cũng phản ứng mạnh trước triển vọng giá dầu.
Chỉ sau 3 tháng, thị giá GAS đã nhảy vọt 36% và đạt đỉnh lên đến 95.000 đồng/cp. Hiện, GAS sau đợt điều chỉnh đang trong sóng tăng trở lại, chốt phiên 9/2/2021 tại mức 81.300 đồng/cp, tăng hơn 9% so với đầu tháng.
Hưởng lợi còn có Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị thành viên PVN được giao trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, vận hành sản xuất kinh doanh Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Với đặc thù về sản xuất, chế biến liên tục, nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn luôn phải duy trì một lượng dầu thô và cần thời gian để chế biến để từ dầu thô cho ra sản phẩm xuất bán. Theo đó, BSR là một trong số các đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong lần giảm sốc năm ngoái, Công ty báo lỗ ròng đến 2.330 tỷ đồng ngay quý 1/2020 (cùng kỳ lãi đến 608 tỷ).
Hôm nay, giá dầu thô ổn định tại mức cao sẽ hỗ trợ Công ty cải thiện biên lợi nhuận. Chưa kể, khi giá bán thành phẩm cuối cùng được điều chỉnh theo mức giá dầu thô cao thì các sản phẩm của BSR (được miễn thuế nhập khẩu) sẽ tăng mạnh tính cạnh tranh so với với các sản phẩm nhập khẩu (chịu thuế nhập khẩu 10%).
Trên thị trường, cổ phiếu BSR cũng sớm phản ánh khi đang giao dịch tại vùng giá 12.000 đồng/cp – cao gấp 2 lần con số hồi đầu tháng 12/2020, thanh khoản dồi dào.
Là đơn vị kinh doanh phân phối xăng dầu lớn, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, PLX) theo nhận định có khả năng hưởng lợi từ giá dầu. Về lý thuyết, nếu giá dầu tiếp tục tăng và biến động trong biên độ hẹp thì sẽ có lợi cho PLX vì tác động trễ giữa chính sách hàng tồn kho 30 ngày và điều chỉnh giá bán trung bình 15 ngày, tuy nhiên điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào công tác tạo nguồn của Công ty.
Tương tự BSR, quý đầu năm 2020 PLX cũng gánh mức lỗ ròng lên đến 1.900 tỷ, do phải trích dự phòng giảm giá hàng tồn kho giá trị lớn. Tính đến thời điểm 31/12/2020, giá trị hàng tồn của doanh nghiệp ghi nhận giảm 20% so với đầu kỳ, song vẫn ở mức cao với 9.400 tỷ đồng. Thị giá PLX cũng tăng mạnh, hiện đang trong con sóng thứ 2 với mức giá đang vào khoảng 53.000 đồng/cp, tăng 13% chỉ từ đầu tháng 2/2021.
Nhìn lại năm 2020, hầu hết các doanh nghiệp dầu khí đều báo doanh thu, lợi nhuận sụt giảm so với năm 2019, trước biến động giá dầu. Dù vậy, năm 2021 kỳ vọng câu chuyện sẽ lạc quan hơn. Minh chứng, BSR sau khi báo lỗ 2.848 tỷ đồng trong năm 2020 đã đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 21% đạt 70.661 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 864 tỷ đồng.