Giá thép toàn cầu đã kết thúc một năm bất thường ở mức cao, doanh nghiệp cũng khép lại 2020 với kết quả kinh doanh vượt bậc, bất chấp những kế hoạch dè dặt ban đầu. Thống kê 10 năm cho thấy, lợi nhuận hầu hết các đơn vị đang quay về mức ngang ngửa giai đoạn 2015-2016.
Trong đó, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) năm 2020 tiêu thụ gần hơn 1,62 triệu tấn thép, tăng 9% và vượt 8% kế hoạch. Doanh thu trong năm đạt 27.534 tỷ đồng, LNST đạt 1.153 tỷ đồng, gấp 3 cùng kỳ và vượt 188% kế hoạch.
Tăng trưởng ấn tượng của HSG phần lớn được đóng góp nhờ sự tăng nóng của giá thép toàn cầu. Ghi nhận, tại Mỹ thời gian giao hàng HRC ở mức cao nhất trong lịch sử, điều kiện thị trường ổn định khiến giá HRC tăng hơn gấp đôi kể từ đầu tháng 8. Hiện, chỉ số duy trì tại mức 893,75USD/tấn.
Đặc biệt, thị trường thép cán nóng (HRC) Trung Quốc cực kỳ mạnh mẽ, đang hỗ trợ giá nhập khẩu của châu Á. Tính đến tháng 12/2020, HRC ở mức 665USD/tấn FOB Trung Quốc, là 667USD/tấn CFR Đông Nam Á.
Cần nhấn mạnh, thông thường lợi nhuận của HSG sẽ biến động theo chu kỳ tăng giảm của nguyên vật liệu. Và dù từng nhận trái đắng khi đầu cơ nguyên liệu, thậm chí đưa HSG đến bờ vực nợ khủng, Chủ tịch Lê Phước Vũ vẫn tuyên bố hiện chỉ ở trên núi và đích thân mua bán nguyên vật liệu. Bởi, "Cả thế giới đều là đầu cơ", ông Vũ nói.
Tính đến 31/12/2020, hàng tồn HSG vào mức 1.806 tỷ đồng, riêng nguyên vật liệu chiếm hơn 67% với 1.215 tỷ đồng - tăng gấp đôi so với mức 546 tỷ đầu kỳ.
Trên thị trường, cổ phiếu HSG cũng phá vỡ các mặt bằng giá mới tương ứng từng đợt công bố thông tin kinh doanh. Hiện, thị giá HSG đã vào mức 24.000 đồng/cp – tức tăng hơn gấp 3 lần con số đầu năm, dòng tiền "trade" duy trì ở mức kỷ lục.
Cũng tăng phi mã và giúp cổ đông nắm giữ nhân đôi tài khoản trong năm qua, HPG chốt phiên 2020 ở mức đỉnh 45.000 đồng/cp. Sự lạc quan của thị giá được hậu thuẫn bởi hiệu suất kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ.
Lũy kế năm 2020, HPG đạt doanh thu 91.279 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2019; tương ứng LNST thu về 13.506 tỷ đồng. Riêng quý 4, HPG phá kỷ lục với mức lãi 4.660 tỷ, gấp 2,42 lần cùng kỳ năm trước.
Là "anh cả" với hoạt động đa ngành, tất cả các mảng kinh doanh (nông nghiệp, bất động sản khu công nghiệp) của HPG đều tăng trưởng mạnh. Riêng thép, sản xuất đóng vai trò đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng: Tập đoàn năm 2020 đạt 5,8 triệu tấn thép thô - gấp đôi năm 2019; thép xây dựng thành phẩm đạt 3,4 triệu tấn - tăng 22,5%; phôi thép đạt 1,7 triệu tấn - cao gấp hơn 12 lần.
Đáng chú ý, tháng 4/2020, thép cuộn cán nóng (HRC) ra lò lô sản phẩm đầu tiên. Đến tháng 11/2020, HPG chính thức cung cấp sản phẩm này ra thị trường.
Thép Nam Kim (NKG) cũng công bố LNST năm 2020 với 295 tỷ - cao gấp 6,3 lần so với năm ngoái. Từng bị suy giảm mạnh trong giai đoạn 2017-2018 do biến chuyển lớn của ngành thép, NKG đang dần ghi nhận những dấu hiệu tích cực sau nhiều năm quyết liệt tái cấu trúc, đặc biệt là không còn băn khoăn về áp lực dòng tiền.
Trong tương lai, Công ty hướng đến việc trả nợ trước hạn tại các ngân hàng, tăng hàng tồn ở mức hợp lý để linh động ứng phó trước tình hình giá thép biến động mạnh hiện nay. Hiện, NKG đã và đang tiếp cận thị trường miền Trung với nhà máy mới đi vào vận hành từ cuối năm 2020.
Trên thị trường, cổ phiếu NKG cũng tăng cao gấp 3 lần kể từ mức đáy hồi tháng 4/2020, hiện giao dịch tại mức 15.000 đồng/cp.
Ở diễn biến khác, hàng loạt đơn vị từng thua lỗ nặng nề cũng "cải tử hoàn sinh" trong năm 2020. Đơn cử, Thép Pomina (POM) kết thúc năm với LNST 16 tỷ đồng, trong khi năm 2019 lỗ ròng lên đến 309 tỷ đồng. Không chỉ hưởng lợi giá ngành, Pom còn ghi nhận đóng góp từ dự án lò cao đi vào hoạt động hồi cuối quý 4/2020 đã mang lại hiệu quả giá thành giảm, lợi nhuận tương ứng tăng 5% so với cùng kỳ.
Bước sang năm 2021, giới quan sát ghi nhận phần lớn đà tăng có khả năng tiếp tục kéo dài đến nửa đầu năm nay. Diến biến phức tạp của đại dịch tiếp tục tình trạng đóng cửa, sản xuất thép lỗ lớn. Gần đây, làn sóng Covid-19 mới tại Hà Bắc khiến Trung Quốc phải áp hạn chế giao thông vận tải với tỉnh này. Phạm vi phong tỏa bao gồm các khu vực quanh nhiều nhà máy thép, hạn chế khả năng giao hàng. Trung Quốc là quốc gia sản xuất thép hàng đầu thế giới, riêng Hà Bắc đóng góp hơn 20% tổng sản lượng.
Trong khi nguồn cung toàn cầu tiếp tục bị thắt chặt, sự mất cân đối giữa cung và cầu thép sẽ đẩy giá nguyên vật liệu tăng cao. Giới phân tích dự báo, trong ngắn hạn giá quặng sắt lẫn HRC sẽ tiếp tục tăng thêm 10%, tương đương với giá HRC đạt 755 USD/tấn trong bối cảnh các nước liên tục công bố kế hoạch tăng đầu tư công từ năm 2021 nhằm chống lại sự suy thoái kinh tế do Covid-19.
Giá thép đang quay lại đà tăng do nhu cầu tiêu thụ thép từ Trung Quốc tăng mạnh. Các doanh nghiệp thép lớn sở tại như China Baowu steel group, Nippon steel, POSCO, Jianlong Steel dự tăng sản lượng bất chấp việc giá nguyên liệu đầu vào đang tăng mạnh.
Ở thị trường trong nước, nhu cầu thép dự tiếp tục tăng trước kỳ vọng kinh tế vĩ mô chung phục hồi, cùng với hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng đặc biệt là các dự án trọng điểm mang tính cấp bách như cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, sân bay quốc tế Long Thành...
Chưa kể, Việt Nam còn có cơ hội lớn trong thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh, chi phí nhân công rẻ.... Do vậy, khi các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam thì nhu cầu đầu tư nhà xưởng, khu công nghiệp sẽ tăng lên, kéo theo nhu cầu về thép xây dựng tăng theo.
Ngoài ra, các cơ hội từ hội nhập đặc biệt là việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA cũng được kỳ vọng thúc đẩy ngành thép sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới.