Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản (Vasep) cho biết, 11 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang EU đạt giá trị 780,2 triệu USD tăng 42,4% so với cùng kỳ năm 2016. Với giá trị xuất khẩu đó, EU đã trở thành thị trường lớn nhất và chiếm 22,2% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam trong 11 tháng qua.
Xuất khẩu tôm sang EU tăng mạnh do nhu cầu tiêu thụ tôm tăng cao ở thị trường này. Người tiêu dùng EU lại ưa chuộng các sản phẩm thủy sản giá trị gia tăng, tiện lợi cho việc chế biến, sử dụng.
Được biết, EU chủ yếu nhập khẩu tôm nguyên liệu đông lạnh và tôm chế biến từ Việt Nam. Theo cam kết, ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu tôm nguyên liệu (tôm hùm xanh ướp đá; tôm sú HOSO, DP đông lạnh; tôm sắt PD tươi đông lạnh; tôm hùm xanh ướp đá; tôm mũ ni vỏ, nguyên con, xẻ đông lạnh…) sang EU sẽ về 0% từ mức hiện tại là 12.5%, thuế sản phẩm tôm (tôm sú PD đông lạnh, tôm sú nguyên con HOSO đông lạnh, tôm sú lặt đầu còn vỏ, tôm sú tươi đông lạnh, tôm sú thịt đông lạnh, tôm sú HLSO tươi đông lạnh, tôm sú đông IQF, tôm thẻ thịt đông lạnh…) về 0% từ 20% hiện tại.
Hiện tại, mức thuế GSP mà EU dành cho Việt Nam đối với tôm nguyên liệu đông lạnh là 4,2%; tôm chế biến đông lạnh là 7%. Tuy nhiên, sản phẩm của Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn xuất xứ của EU để được hưởng mức thuế này. Việt Nam có lợi thế hơn so với 2 nước đối thủ là Thái Lan và Trung Quốc vì 2 nước này không được hưởng GSP của EU.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, riêng trong tháng 11/2017, xuất khẩu tôm sang thị trường EU tăng trưởng mạnh nhất trong số các thị trường nhập khẩu chính tôm Việt Nam với mức tăng 71% đạt 86,4 triệu USD.