Được biết, Thụy Sỹ chiếm 0,5% tổng giá trị nhập khẩu tôm của toàn thế giới, chủ yếu nhập khẩu tôm để tiêu thụ trong nước. Mỗi năm, nước này nhập khẩu khoảng 8.500 tấn tôm.
Nhập khẩu tôm của Thụy Sỹ không ổn định tôm trong 10 năm (2007-2016) với giá trị nhập khẩu đạt thấp nhất năm 2007 với 81,4 triệu USD và đạt cao nhất vào năm 2014 với 144,6 triệu USD. Năm 2014, giá trị nhập khẩu tôm vào nước này đạt cao nhất do giá tôm thế giới tăng đột biến. Từ 2014-2016, giá trị nhập khẩu tôm vào nước này có xu hướng giảm dần.
Trên thị trường Thụy Sỹ , Việt Nam phải cạnh tranh giá với Ecuador và các nguồn cung ở châu Á như Bangladesh, Thái Lan và Ấn Độ trong khi tôm Việt Nam có giá phải chăng hơn so với các nguồn cung ở châu Âu như Đức, Đan Mạch, Pháp.
Trong 10 năm (2007-2016), Việt Nam luôn là nguồn cung tôm lớn nhất cho Thụy Sỹ, chiếm tỷ trọng áp đảo khoảng 50% tổng giá trị nhập khẩu tôm của Thụy Sỹ. Tiếp đó lần lượt là Đức, Đan Mạch, Ecuador và Bangladesh.
Được biết, tôm nguyên liệu đông lạnh và tôm chế biến đóng túi kín khí là 2 sản phẩm chính nhập khẩu vào Thụy Sỹ. Việt Nam đều là nguồn cung lớn nhất về cung cấp 2 mặt hàng này cho Thụy Sỹ.
Vasep cho biết, Thụy Sỹ miễn thuế nhập khẩu mặt hàng tôm nguyên liệu đông lạnh cho tất cả 5 nguồn cung chính (Việt Nam, Đức, Đan Mạch, Ecuador và Bangladesh).
Ba quý đầu năm nay, nhập khẩu tôm vào Thụy Sỹ đạt 87,6 triệu USD tăng 17% so với cùng kỳ năm 2016. Việt Nam vẫn là nguồn cung lớn nhất, chiếm 59% tổng giá trị nhập khẩu tôm của Thụy Sỹ, tiếp đó lần lượt là Đức, Đan Mạch, Pháp, Hà Lan.
Thụy Sỹ đứng thứ 10 trong số các thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam, hiện chiếm 1,03% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam đi các thị trường.
Tính tới ngày 15/11/2017, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Thụy Sỹ đạt 34,3 triệu USD tăng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với tình hình như hiện nay, Việt Nam nên tận dụng lợi thế là nguồn cung tôm lớn nhất và thuế suất 0% về cung cấp tôm cho Thụy Sỹ để duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.