Lo vì nặng hình thức
Tổng cục Thống kê cho biết, đến hết năm 2020, Việt Nam có khoảng 810 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Số lượng DN thành lập mới qua các năm ngày càng tăng, quy mô DN được mở rộng. Dù không đạt mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020 như Nghị quyết 35/NĐ-CP nhưng môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện. Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, giai đoạn 2016 - 2019, tốc độ tăng số lượng DN Việt Nam đạt 10,5%. Bình quân mỗi năm có thêm hơn 100 nghìn DN mới được thành lập, cao gấp hai lần giai đoạn 2011 - 2015. Tuy nhiên, phần lớn DN có quy mô vừa và nhỏ.
“Đại dịch COVID-19 xảy ra trong năm 2020, tiếp diễn vào năm 2021 là những trở ngại không nhỏ cho quá trình phát triển kinh tế xã hội trong cả nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của từng doanh nghiệp và người dân”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.
“Giai đoạn 2016 - 2019, tốc độ tăng số lượng DN Việt Nam đạt 10,5%, bình quân mỗi năm có thêm hơn 100 nghìn DN mới được thành lập, cao gấp hai lần giai đoạn 2011 - 2015. Tuy nhiên, phần lớn DN có quy mô vừa và nhỏ”.Bộ KH&ĐT cho biết
Cùng với việc hỗ trợ cho cộng đồng DN, thời gian qua, hàng loạt chính sách nhằm phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời như Quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ này chưa đi vào thực tế. Số lượng DN tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa vẫn còn khiêm tốn. Các chính sách hỗ trợ trong luật còn chung chung, chưa sát thực tế.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá, DN vừa và nhỏ chiếm tỷ trọng lớn. Văn kiện Đại hội XIII có đưa ra việc thành lập DN, tập đoàn lớn để dẫn dắt nền kinh tế nhưng vai trò của DN nhỏ và vừa cũng rất quan trọng. Chủ trương của Việt Nam đưa DN nhỏ và vừa là một trong những nhân tố quan trọng. Tuy nhiên, cơ chế chính sách đưa ra để hỗ trợ khối doanh nghiệp này lại chưa có tác động tích cực.
“Thời gian tới, chính sách đưa ra với từng lĩnh vực cần cụ thể như hỗ trợ tài chính, tín dụng, chứ không thể chung chung. Chính sách ban hành phải đi vào thực tế, không chỉ hình thức như hiện nay. Hiện tại, đã có các quỹ hỗ trợ nhưng các quỹ không phát huy được tác dụng, DN khó tiếp cận. Chính sách đưa ra hoành tráng nhưng chưa đi vào thực tế”, ông Long đánh giá.
Một trong những điểm yếu nữa của DN Việt Nam cần khắc phục trong thời gian tới là thực trạng không tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, trong hội nhập, muốn phát triển, DN phải từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
“Cơ quan chức năng cần lựa chọn nhóm DN có khả năng “xâm nhập” vào chuỗi giá trị toàn cầu và đưa ra chính sách hỗ trợ phù hợp.
Cùng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế, Việt Nam cần có biện pháp thúc đẩy sớm để DN phát huy lợi thế thị trường trong nước.
“Việc áp dụng khoa học công nghệ, giao hàng nhanh của kinh tế số đang len lỏi vào cuộc sống. Chỉ một quán phở nhỏ cũng đã đưa thông tin của mình lên mạng internet và thực hiện các dịch vụ giao hàng nhanh, giao tận nhà cho khách hàng. Tuy nhiên, việc ứng dụng kinh tế số trong cộng đồng doanh nghiệp Việt vẫn còn hạn chế. Vì vậy, DN cần có nỗ lực phù hợp với thực tế, nội lực của DN mới được đẩy mạnh”, ông Doanh kiến nghị.
Còn đó Băn khoăn
Đầu năm 2021, Chính phủ giao Bộ KH&ĐT xây dựng Nghị quyết về phát triển DN giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 1,5 triệu DN, trong đó có từ 15 đến 20 DN tư nhân vốn hóa đạt hơn một tỷ USD. Nghiên cứu của Bộ KH&ĐT chỉ ra, sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang ở mức kém lạc quan nhất trong những năm gần đây. Số lượng DN đăng ký mới năm 2020 giảm 2,3% so với năm 2019. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2020 là hơn 1 triệu lao động, giảm 16,9% so với năm 2019.
Để xây dựng chính sách hỗ trợ DN, Bộ trưởng KH&ĐT vừa có cuộc làm việc với hiệp hội doanh nghiệp mọi lĩnh vực nhằm lắng nghe kiến nghị, góp ý của DN. Tại cuộc làm việc này, ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí (VAMI) cho biết, khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp là đơn hàng. Sau một năm COVID-19, đơn hàng bắt đầu ít đi, trong khi cước vận chuyển tăng. Điều này khiến doanh thu liên tiếp sụt giảm.
“Chúng tôi đề nghị Chính phủ hỗ trợ chủ doanh nghiệp khoản chi phí cách ly cho chuyên gia nước ngoài, bởi phần này doanh nghiệp chi rất tốn kém. VAMI đề nghị tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước được tham gia vào các dự án đấu thầu trong nước”, ông Sáng kiến nghị.
Cùng chung khó khăn, đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam phản ánh thực trạng ảm đạm của thị trường thép đang khiến hoạt động sản xuất của DN rơi vào thế cầm chừng. Công trình, dự án dừng lại hoặc giãn tiến độ thực hiện, vì lo ngại dịch bệnh bùng phát cũng khiến hàng hóa lưu thông chậm. Ngoài ra, lần bùng phát dịch gần đây nhất khiến việc vận chuyển nguyên vật liệu và hàng hóa tại các tỉnh khu vực Đông Bắc (Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Ninh...) càng trở lên khó khăn.
Theo TS Lê Đăng Doanh, bên cạnh hỗ trợ DN đang hoạt động vượt qua giai đoạn khó khăn. Với DN khởi nghiệp, thành lập DN mới, các cơ quan chức năng ngành kế hoạch đầu tư, thuế, hiệp hội cần vào cuộc tích cực hỗ trợ. Chính sách hỗ trợ như cung cấp thông tin thị trường, hướng dẫn thủ tục thuế, kiểm tra chuyên ngành để tạo điều kiện cho bản thân DN mở rộng sản xuất, kinh doanh. Từ đó, từng bước nâng cao năng lực, thâm nhập thị trường, giúp cộng đồng DN phát triển, hướng tới mục tiêu đạt 1,5 triệu DN vào năm 2020.
Ông Doanh cũng cho rằng, để hiện thực hóa mục tiêu 1,5 triệu DN vào năm 2025, cơ quan chức năng nên có chính sách khuyến khích hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp. Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa VN, hàng triệu hộ kinh doanh chưa chuyển sang mô hình DN do lo ngại phải bỏ nhiều chi phí tuân thủ quy định pháp luật liên quan như các quy định về kế toán, thuế, bảo hiểm và đặc biệt là hoạt động thanh tra, kiểm tra. Đa phần hộ kinh doanh cho rằng nếu chuyển lên thành DN sẽ tốn chi phí tuân thủ nhiều hơn, nặng nề hơn. Nếu loại bỏ những trở ngại này thì sẽ có nhiều hộ kinh doanh muốn chuyển thành DN hơn. Vì vậy, cơ quan chức năng cần nghiên cứu cách quản lý để giúp hộ kinh doanh muốn chuyển đổi lên DN như một loại hình DN tối giản. Cơ chế quản lý cần hết sức thông thoáng, để cho DN tự khai báo theo chế độ kế toán đơn giản, ghi chép đơn giản, thực hiện chế độ khoán thuế với những DN siêu nhỏ.