Tập đoàn Đất Xanh (DXG) vừa phê duyệt tài liệu phát hành trái phiếu quốc tế. Cụ thể, DXG đang tiến tới thực hiện kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi/không chuyển đổi quốc tế bằng USD, không kèm chứng quyền, với tổng mệnh giá tối đa 300 triệu USD (tương đương khoảng 6.959 tỷ đồng). Số tiền thu được sẽ dùng để thực hiện chương trình đầu tư bằng hình thức mua cổ phần phát hành mới tại Bất động sản Hà An.
Doanh nghiệp ồ ạt phát hành trái phiếu quốc tế
Trên thị trường, loạt doanh nghiệp lớn cũng đang chuyển hướng huy động vốn ngoại ồ ạt, trong bối cảnh dòng vốn trong nước đang bị hạn chế. Cùng lĩnh vực bất động sản, có Novaland (NVL) tháng 6 vừa qua chào bán thành công lô trái phiếu với tổng giá trị 5.774 tỷ đồng cho hai nhà đầu tư nước ngoài do Warburg Pincus dẫn đầu.
Hay Masan Group được biết sẽ vay tối đa lên tới 250 triệu USD với BNP Paribas, Credit Suisse AG – chi nhánh Singapore, Standard Chartered Bank (Singapore) Limited, The Hong Kong and Shanghai Banking Corporation Limited – chi nhánh Singapore và các bên khác (nếu có).
The Sherpa - một công ty con của Masan – cũng được phê duyệt hợp đồng vay tối đa 350 triệu USD với các bên nêu trên. Theo kế hoạch năm 2022, Masan Group dự kiến phát hành 500 triệu USD trái phiếu chuyển đổi, không có bảo đảm và không kèm chứng quyền.
Một tên tuổi lớn khác phải kể đến Vingroup, theo kế hoạch năm nay Công ty dự huy động 1,5 tỷ USD từ phát hành trái phiếu quốc tế. Cùng với đó, VinFast còn ký kết Thỏa thuận khung, chỉ định ngân hàng Credit Suisse (Singapore) Ltd. là bên thu xếp cho các đợt phát hành, chào bán chứng khoán của VinFast hoặc công ty con trên toàn cầu với quy mô tối thiểu 2 tỷ USD, và chỉ định Citigroup Global Markets Inc (Mỹ) là bên tư vấn cho quá trình huy động bổ sung tối thiểu 2 tỷ USD nữa để xây dựng nhà máy của VinFast tại Bắc Carolina (Mỹ).
Nhóm tài chính cũng huy động vốn ngoại mạnh mẽ, phải kể đến Techcombank trong tháng 6/2022 đã huy động thành công khoản vay nước ngoài trị giá lên tới 1 tỷ USD. Cũng trong tháng 6, Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) xác nhận thông qua khoản vay 200 triệu USD cho SeABank. Xa hơn vào cuối tháng 4/2022, VPBank rút vốn thành công toàn bộ khoản vay hợp vốn quốc tế trị giá 600 triệu USD, kỳ hạn 3 năm…
Thời điểm thuận lợi để các doanh nghiệp có tiềm lực tranh thủ hút vốn nước ngoài
Thực tế, đã có nhiều tập đoàn trong nước chào bán trái phiếu thành công cho các nhà đầu tư nước ngoài như Vingroup, Masan, VietinBank, Hoàng Anh Gia Lai… Dù vậy, không phải đơn vị nào cũng đủ điều kiện tiếp cận dòng vốn ngoại.
Nửa đầu năm nay, làn sóng trên diễn ra sôi nổi hơn trong bối cảnh dòng vốn tín dụng bị siết, và hơn hết Việt Nam đang nổi lên là điểm sáng kinh tế khu vực. Đặc biệt, S&P Global Ratings (S&P) vừa nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng ổn định vào ngày 26/5/2022, thể hiện được góc nhìn tích cực đối với Việt Nam trên thị trường vốn quốc tế. Mức xếp hạng BB+ là mức xếp hạng cao nhất trong nhóm BB và tiệm cận với mức BBB-.
Trong đó, nếu S&P sớm nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên mức BBB-, khi đó thị trường Việt Nam được xem xét ở mức rủi ro thấp hơn và do đó mức lợi nhuận đầu tư kỳ vọng cũng sẽ thấp hơn hiện tại, có nghĩa là chi phí huy động vốn quốc tế sẽ giảm dần.
Mặt khác, Chính phủ cũng đã ban hành “Đề án cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030” với mục tiêu cụ thể đến năm 2030 đạt mức xếp hạng tín nhiệm BBB- (S&P và Fitch) và Baa3 (Moody) trở lên. Với quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán của Chính phủ, kết hợp với việc đã được nâng xếp hạng tín nhiệm lên BB+, hoàn toàn có thể hi vọng mục tiêu trên sẽ sớm đạt được trước năm 2025.
Với những luận điểm trên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng đây cũng là thời điểm thuận lợi để các doanh nghiệp tranh thủ hút vốn nước ngoài. Kỳ vọng, hàng chục tỷ đô la được sẽ đổ vào thị trường vốn trong nước, và doanh nghiệp đi trước đón đầu thông qua phát hành trái phiếu quốc tế chuyển đổi sẽ có nhiều lợi thế trong tương lai.