ChatGPT hiện đang là công cụ gây sốt trên toàn thế giới. Thậm chí, công cụ này mới đạt được cột mốc đáng ngưỡng mộ khi có 10 triệu người dùng/ngày chỉ sau 40 ngày ra mắt. Con số này vượt xa tốc độ tăng trưởng nhanh ban đầu của Instagram.
Cụ thể, theo ông Bret Winton – Giám đốc về tương lai tại ARK Venture Investment thì: “ChatGPT vượt mốc 10 triệu người dùng hằng ngày sau 40 ngày ra mắt chính thức. Trong khi Instagram mất 355 ngày để đạt được 10 triệu người dùng đăng ký”.
ChatGPT là một chatbot do công ty Open AI có trụ sở tại Mỹ phát triển, được ra mắt vào ngày 30/11/2022. Chỉ sau 5 ngày, đã có hàng triệu người dùng đăng ký công cụ này. ChatGPT được đánh giá là “trả lời câu hỏi như người thật”, có thể trình bày ý tứ một cách logic, có chiều sâu và cực kỳ trôi chảy cho các câu hỏi phức tạp. Được đánh giá là công cụ mạnh hơn bất cứ chatbot nào từng có trước đây, ChatGPT có thể viết kịch bản, viết tiểu luận cấp đại học, viết content, “nghĩ’ hộ tên công ty hay cửa hàng…
Vậy chính xác thì ChatGPT nghĩa là gì?
Theo tờ US Today, ChatGPT (tên đầy đủ là: Chat Generative Pre-traing Transfromer) là một chương trình máy tính miễn phí. Chúng sử dụng trí tuệ nhân tạo để hiểu và phản hồi lại bằng ngôn ngữ tự nhiên, giống như con người.
ChatGPT có thể trả lời những câu hỏi, viết các câu văn và giao tiếp với bạn. Công cụ này hoạt động giống như một cuộc hỏi đáp giữa người với người.
Khiến Google run sợ
Khi ChatGPT mới ra mắt, nhiều người dùng thử nghiệm cho rằng ChatGPT có thể thay thế công cụ tìm kiếm của Google. Hồi đó, Google bỏ ngoài tai các bình luận như vậy và nói "không có gì phải lo lắng". Nhưng chỉ một tháng sau, đội ngũ điều hành của Google bất chợt "quay xe" và phát hoảng trước sự đe dọa tiềm tàng của chatbot này.
Từ "Google" từ lâu đã có nghĩa là “tìm kiếm trực tuyến” – một trong những công ty công nghệ hiện đại đầu tiên có tên trở thành một động từ quen thuộc với mọi người. Thế nhưng khi ChatGPT xuất hiện, nó đã thể hiện khả năng trả lời đầy đủ các câu hỏi từ đơn giản đến phức tạp trong nhiều lĩnh vực, sáng tác thơ, soạn thảo văn bản pháp lý, viết mã hay thiết kế. Thậm chí, nhiều người đã dùng công cụ này để làm những việc trên, khiến nó ngày càng thông minh hơn. Chính vì vậy, họ cũng muốn “trò chuyện” với AI này thay vì tìm kiếm thông tin trên Google.
ChatGPT được đào tạo dựa trên lượng dữ liệu khổng lồ và sử dụng dữ liệu này để tạo phản hồi cho câu hỏi của người dùng. Theo một báo cáo, ChatGPT đã khiến ban điều hành của Google tuyên bố tình trạng báo động đỏ cho hoạt động kinh doanh tìm kiếm của mình.
“Có thể chỉ còn 1 hoặc 2 năm nữa là đến thời điểm Google bị ảnh hưởng hoàn toàn. AI sẽ loại bỏ trang kết quả của công cụ tìm kiếm của công ty – nơi họ kiếm được nhiều tiền nhất. Ngay cả khi theo kịp AI, họ cũng không thể triển khai nó hoàn toàn nếu không phá hủy phần giá trị nhất trong hoạt động kinh doanh của mình”, Paul Buchheit - một trong những người tạo ra Gmail, chia sẻ trên Twitter vào năm ngoái.
Theo Buchheit, nếu nhiều người dùng bắt đầu dựa vào AI để đáp ứng nhu cầu thông tin, việc này có thể làm giảm quảng cáo tìm kiếm trên Google - vốn là một phần của mảng kinh doanh trị giá 149 tỷ USD của công ty. Ngoài ra, việc các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin về ChatGPT đã khiến công cụ này ngày càng được nhiều người biết đến.
Bất chấp những lo ngại trên, có một số lý do giải thích rằng chưa chắc kịch bản “ác mộng” này sẽ xảy ra với Google.
Google hoạt động ở một quy mô rất khác. Vào tháng 11 năm ngoái, trang web của Google ghi nhận hơn 86 tỷ lượt truy cập, so với chưa đến 300 triệu của ChatGPT, theo trang web phân tích lưu lượng truy cập SimilarWeb. (ChatGPT được phát hành công khai vào cuối tháng 11/2022).
Ngoài ra, Google cũng đã đầu tư rất công phu vào AI. CEO của Google - Sundar Pichai từng nói với các nhân viên rằng mặc dù Google có các khả năng tương tự như ChatGPT nhưng công ty vẫn chưa cam kết đưa ra các phản hồi tìm kiếm do AI tạo ra vì nguy cơ cung cấp thông tin không chính xác - điều có thể gây bất lợi cho Google về lâu dài.
Nguồn: USToday, Bloomberg