Dòng tiền tỷ USD trên thị trường vốn quốc tế đang giúp các doanh nghiệp Việt lớn mạnh nhanh chóng và gầy dựng DN đa ngành thông qua các thương vụ mua bán sáp nhập đình đám trên thị trường.
Công ty TNHH The Sherpa, thành viên của Tập đoàn Masan (MSN) vừa thông báo chi 15 triệu USD mua 20% vốn Phúc Long Heritage - DN sở hữu thương hiệu cà phê Phúc Long.
Theo đó hai bên cùng phát triển mô hình “Kiosk Phúc Long” thông qua mạng lưới hơn 2.200 cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc. Dự kiến sẽ có 1.000 Kiosk Phúc Long trong 18-24 tháng. Trong 5 năm tới, theo kế hoạch, VinMart sẽ có 10.000 cửa hàng và đây sẽ là cơ hội cho trà sữa Phúc Long.
Quyết định mua trà sữa Phúc Long nhằm tăng biên lợi nhuận của hệ thống VinMart+ (dự tính thêm 4%) và phục vụ chiến lược phát triển hệ sinh thái tiêu dùng Point of Life.
Hiện nay, tổng tiêu thụ trà và cà phê tại Việt Nam ước tính là 2,3 tỷ USD và dự kiến tăng trưởng hơn 10% mỗi năm.
Trong đó, chuỗi cửa hàng bán lẻ trà và cà phê có thương hiệu chỉ chiếm 25% bao gồm các thương hiệu lớn như Highlands Coffee (trên 300 cửa hàng), The Coffee House (trên 150 cửa hàng) và Starbucks (trên 70 cửa hàng). Với tiềm năng dân số trẻ và nhu cầu trải nghiệm các sản phẩm dịch vụ mới, chuỗi cửa hàng trà và cà phê có thương hiệu được dự báo sẽ bùng nổ trong thập kỉ tới.
Gần đây, Tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đã thâu tóm nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong các ngành hàng để mở rộng vị thế của mình. Chiến lược M&A mở rộng các ngành hàng kinh doanh của mình được Masan thực hiện một cách bài bản trong suốt những năm qua.
Masan thâu tóm một loạt "ông lớn" Việt trong hơn một năm qua. |
Gần đây nhất và cũng là lớn nhất, Masan đã mua lại mảng bán lẻ VinCommerce từ Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng để xây dựng đế chế bán lẻ-tiêu dùng số 1 tại Đông Nam Á.
Trước đó, Masan cũng đã thực hiện nhiều thương vụ nổi tiếng như: Mua cổ phần kiểm soát mỏ Núi Pháo; Thâu tóm Vinacafe Biên Hòa; Vĩnh Hảo; Mua cổ phần Thực phẩm Cholimex; Đầu tư vào Proconco và ANCO; Mua kiểm soát NETCO; 3F Việt.
Trên thị trường, giới đầu tư cũng chứng kiến nhiều thương vụ M&A đình đám như: Thaco mua mảng nông nghiệp của HAGL; Nova Group chi tỷ USD để thực hiện các thương vụ M&A trong năm 2020; Vinamilk chi gần 1.800 tỷ đồng thâu tóm GTNFoods - công ty mẹ của Mộc Châu Milk; Indo Trần chi hơn 40 triệu USD thâu tóm Sotrans; Vĩnh Hoàn tính chi hàng trăm tỷ thâu tóm Bánh phồng tôm Sa Giang…
Hoạt động M&A diễn ra sôi nổi trong những năm qua nhưng nổi bật nhất vẫn là Masan Group thâu tóm các “ông lớn” như: VinCommerce, Starck, Netco, 3F… Sở dĩ Masan Group thực hiện được các thương vụ M&A lớn và trở thành một tập đoàn tư nhân có quy mô đáng nể là nhờ tận dụng nguồn lực tài chính quốc tế. Trong hơn một thập kỷ, Masan đã huy động gần 3 tỷ USD từ thị trường vốn quốc tế và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Gần nhất, Masan hút được 400 triệu USD mua cổ phần phát hành mới của The CrownX (một thành viên của Masan) từ nhóm đầu tư Alibaba và Baring Private Asia (BPEA). Cũng theo Masan, tập đoàn này đang trong quá trình đàm phán một giao dịch đầu tư chiến lược với các nhà đầu tư khác trị giá từ 300 – 400 triệu USD vào The CrownX, dự kiến hoàn tất trong năm nay.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index lần đầu tiên trong lịch sử chinh phục ngưỡng 1.300 điểm.
Theo MBS, thị trường xác lập mức cao mới cùng với thanh khoản cao kỷ lục là tín hiệu rất tích cực cho xu hướng tăng hiện tại. Đáng chú ý là độ rộng đã được khắc phục khi dòng tiền đã lan tỏa rộng khắp chứ không co cụm vào nhóm bluechip như trong các tuần trước đây. Thị trường có thể hướng tới vùng mục tiêu ngắn hạn ở 1.320 -1.325 điểm trong các phiên sắp tới.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/5, chỉ số VN-Index tăng 14,05 điểm lên 1.297,88 điểm; HNX-Index tăng 2,34 điểm lên 300,33 điểm. Upcom-Index tăng 1,01 điểm lên 82,63 điểm. Thanh khoản đạt 26,8 nghìn tỷ đồng.
V. Hà