Đây là đề xuất được TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cùng nhóm cộng sự đưa ra tại hội thảo "Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam", do Trường Đại học Kinh tế TP HCM và Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức ngày 27-4.
TS Nguyễn Đức Kiên phân tích với quy mô GDP cuối năm 2020 (sau điều chỉnh) là 343,6 tỉ USD, nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới của Việt Nam sẽ rất lớn. Nếu chỉ phụ thuộc vào huy động từ thị trường vốn trong nước thì không chỉ không đủ mà còn tạo áp lực rất lớn tới thị trường tài chính trong nước vốn vẫn trong giai đoạn cần củng cố, khắc phục những hạn chế nội tại.
TP HCM được kỳ vọng trở thành trung tâm tài chính quốc tế .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Các chuyên gia đánh giá việc chủ động bố trí nguồn vốn đầu tư công phù hợp với từng mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn phát triển là yêu cầu cần thiết đối với các đơn vị quản lý tài chính công. Vì vậy, cơ hội phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế rất rõ ràng.
Theo TS Chu Khánh Lân, Bộ phận giúp việc Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2016-2020, xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam liên tục được cải thiện. Điều này phản ánh đánh giá tích cực của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đối với các kết quả về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam những năm qua.
Cụ thể, Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ B1 lên B3 (tháng 8-2018) và nâng triển vọng từ tiêu cực lên tích cực (tháng 3-2021). Fitch Ratings nâng mức xếp hạng tín nhiệm Việt Nam từ BB- lên BB (tháng 5-2018) và khẳng định duy trì mức xếp hạng BB, tiếp tục nâng triển vọng từ ổn định lên tích cực (tháng 4-2021)...
"Việc Việt Nam phát hành trái phiếu kỳ hạn dài trên 10 năm với mức lợi tức cao hơn các sản phẩm cùng loại hoàn toàn phù hợp với xu hướng thị trường, giúp có thể đi vay với lãi suất hợp lý, kỳ hạn đủ dài, phù hợp với các dự án đầu tư công trong nước" - TS Chu Khánh Lân nhìn nhận.
Trong những năm gần đây, tỉ giá USD/VNĐ tương đối ổn định nhờ nguồn cung ngoại tệ tương đối dồi dào. Với những lợi thế của mình, Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, nguồn cung ngoại tệ tiếp tục được nâng cao bởi dòng vốn đầu tư nước ngoài và làm giảm rủi ro tỉ giá, tránh giá trị khoản nợ tăng cao và bảo đảm kế hoạch trả nợ đúng hạn...
Ở góc độ sử dụng dòng vốn, năm 2020, bất chấp dịch Covid-19, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công vẫn đạt hơn 356.000 tỉ đồng, cao hơn 12,4% so với cùng kỳ năm trước và cao nhất trong 5 năm qua. Giải ngân đầu tư công không chỉ tăng về vốn, công tác đầu tư cũng đi vào thực chất hơn. Các dự án đầu tư công bước đầu đã mang lại những hiệu quả nhất định, tạo sức bật mới cho kinh tế địa phương, vùng và quốc gia, trở thành một động lực để nền kinh tế chống đỡ với khó khăn do dịch Covid-19.
Theo các chuyên gia, đây là tín hiệu đáng mừng trong việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, tránh lãng phí và tồn đọng vốn, đặc biệt là vốn vay của nhà nước. Để phát hành trái phiếu Chính phủ thành công, các cơ quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp xác định nhu cầu vốn đầu tư, khả năng huy động vốn..., trình Chính phủ phương án huy động trái phiếu trên thị trường vốn quốc tế.
Muốn có trung tâm tài chính quốc tế, cần tham vọng lớn
Một trong những chủ đề được các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo là câu chuyện bao giờ TP HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế. TS Trần Du lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế cho TP HCM, cần đưa ra lộ trình với 3 giai đoạn cụ thể. Giai đoạn 2021-2025 là xây dựng, khẳng định vai trò của trung tâm tài chính quốc gia; từ năm 2026-2030, TP sẽ nâng lên vai trò một trung tâm tài chính khu vực và khoảng 10-15 năm sau, hình thành trung tâm tài chính quốc tế. Chặng đường còn dài nhưng cần đặt lộ trình rõ ràng mới có thể triển khai và phải gắn với 2 điều kiện nữa là tự do hóa tài khoản vốn và chuyển đổi đồng tiền. Những việc này sẽ cần rất nhiều thời gian.
Theo các chuyên gia, ý tưởng về trung tâm tài chính quốc tế cho TP HCM đã được đặt ra từ 20 năm trước. GS-TS Trần Ngọc Thơ, Trường Đại học Kinh tế TP HCM, đặt vấn đề: Nếu không có tham vọng ngang bằng hoặc vượt trội so với các trung tâm tài chính quốc tế lớn hiện nay, TP HCM có thành công trong việc trở thành trung tâm tài chính quốc tế? GS Sử Đình Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP HCM, cho rằng nếu không có tham vọng thì sẽ không có quyết tâm và không có sự thay đổi về thể chế, chính sách, lựa chọn mô hình, bước đi đúng. Vì vậy, phải có cơ chế thử nghiệm về mô hình trung tâm tài chính quốc tế cho TP HCM.