Sau 1 tháng được cho là đã "trốn nợ", ông chủ Món Huế Huy Nhật đã xuất hiện trước truyền thông để trả lời các câu hỏi về sự sụp đổ của công ty. Huy Nhật cho rằng thời gian đầu hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài rất tốt đẹp. ông Huy Nhật nắm 30% vốn và 3 ghế tại Hội đồng quản trị, giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị, các nhà đầu tư nắm giữ 3 ghế còn lại.
Cũng theo hợp đồng hợp tác, ông Huy Nhật là Giám đốc điều hành chịu trách nhiệm chính về việc phát triển kinh doanh, chọn địa điểm mở chuỗi…. Các vị trí Giám đốc tài chính, Giám đốc pháp lý, Giám đốc mua hàng, Kiểm soát nội bộ là người của nhóm nhà đầu tư nước ngoài.
Huy Nhật cho biết trong môi trường cạnh tranh khốc liệt của ngành F&B trong 2 năm qua, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng, giá thuê mặt bằng tăng, cạnh tranh nhân lực cũng ngày càng gay gắt. Tuy nhiên chiến lược của nhà đầu tư nước ngoài tập trung phát triển thần tốc nhằm chiếm thị phần để nhanh chóng hiện thực hoá lợi nhuận của khoản đầu tư, số lượng cửa hàng tăng nhanh từ 100 lên 200 đã nảy sinh mâu thuẫn giữa hai bên. Nhóm nhà đầu tư nước ngoài muốn có 4 ghế trong HĐQT nhưng nhà sáng lập Món Huế không đồng ý dẫn đến việc Huy Nhật bị gạt ra khỏi công ty. Huy Nhật nói với truyền thông rằng, nhóm nhà đầu tư nước ngoài cử người đại diện pháp luật mới, xâm chiếm trụ sở văn phòng và bếp trung tâm của công ty Huy Việt Nam vào ngày 5/10/2019.
Mặc dù vậy, công nợ của Món Huế đã phát sinh từ tháng 5/2019, tổng nợ đến thời điểm 5/10/2019 là gần 20 tỷ đồng. Huy Nhật cho biết không nắm được chính xác công nợ của công ty là bao nhiêu và ông cũng cần xác minh với các chủ nợ do trong 6 tháng qua ông "quay cuồng" trong tranh chấp.
"Dù với tỷ lệ cổ phần thiểu số của mình tại công ty Huy Việt Nam, tôi xác định ưu tiên hàng đầu vẫn là hỗ trợ giải quyết cho các nhà cung cấp và nhân viên bị ảnh hưởng bởi tranh chấp vừa qua. Tuy nhiên, vì vị trí đại diện pháp luật của công ty đã bất ngờ bị thay đổi, tôi không còn tư cách đại diện công ty để giải quyết các vấn đề công nợ", Huy Nhật trả lời phỏng vấn VnEconomy và cho biết đã ứng ra 5 tỷ để trả công nợ cho công ty. Nếu theo lời Huy Nhật ông này "không còn là đại diện pháp luật của công ty", nghĩa là chỉ trả trách nhiệm theo tỷ lệ cổ phần đóng góp.
Huy Nhật cũng tiết lộ ông này đã rao bán cổ phần của gia đình trong "một công ty kinh doanh ẩm thực khác" và công ty này là Huy Seafood (Long Khang). Ông đã nhượng lại phần vốn của mình cho các bên khác sau khi có khủng hoảng xảy ra tại Món Huế. Thủ tục pháp lý chưa hoàn tất do ảnh hưởng cú sốc nói trên.
"Điều đáng buồn nhất là khi mình làm tốt, họ đưa mình lên đỉnh, nhưng khi khó khăn xảy ra, mình trở thành vật thế thân của các quỹ", Huy Nhật cay đắng khi nói về sự sụp đổ của Món Huế.