Hủy niêm yết tự nguyện
Sau 8 năm niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), CMISTONE Việt Nam (CMI) cũng đã thống nhất việc sẽ hủy niêm yết cổ phiếu tại HNX và sẽ xem xét đưa cổ phiếu lên giao dịch tại sàn UPCoM. Mặc dù gọi là hủy niêm yết tự nguyện nhưng CMI cũng đã có KQKD rất yếu kém, doanh nghiệp này đã báo lỗ trong cả 2 năm 2016 và 2017, hiện vẫn chưa công bố BCTC 2018 nhưng kết thúc 9 tháng đầu năm 2018 đã lỗ thêm 118 tỷ đồng, tính đến 30/9/2018 vốn chủ sở hữu âm gần 80 tỷ đồng, lỗ lũy kế 252 tỷ đồng vượt vốn điều lệ (160 tỷ đồng). Trên sàn HNX cổ phiếu CMI đang nằm trong diện giao dịch bị kiểm soát CMI niêm yết tại HNX với mức giá chào sàn 47.300 đồng/cp nhưng hiện nay rớt về 1.000 đồng/cp.
Tiếp đó là trường hợp Công nghệ Mạng và Truyền thông (CMT), công ty này đã được cổ đông thông qua việc hủy niêm yết tự nguyện cổ phiếu tại HoSE và chuyển sang đăng ký giao dịch trên UPCoM. Lý do cho quyết định hủy niêm yết là tập trung tái cấu trúc doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển doanh nghiệp.
Một doanh nghiệp nữa cũng đã có ý định hủy niêm yết là Tập đoàn Hoàng Long (HLG), cổ phiếu HLG đã niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM hơn 9 năm, HLG đã thông báo sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2018 vào ngày 16/11/2018 nhằm thông qua chủ trương này, tuy nhiên đại hội này sau đó đã bị hủy do có thông tin về việc HSX yêu cầu Hoàng Long kiểm toán lại BCTC 2017 do không đạt yêu cầu. Trước đó HLG cho biết việc dự kiến hủy niêm yết tự nguyện và đưa cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM là nhằm tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh.
Đáng chú ý là trường hợp của Giống cây trồng miền Nam (SSC) cũng đã có chủ trương rời niêm yết trên HSX để xuống sàn UpCOM, tuy nhiên tại ĐHĐCĐ bất thường chủ trương này đã không được cổ đông nhỏ thông qua nên cổ phiếu này vẫn sẽ lại tiếp tục giao dịch trên HSX.
Hủy niêm yết vì thua lỗ 3 năm liên tiếp
Bên cạnh lý do hủy niêm yết tự nguyện thì số doanh nghiệp đứng trước nguy cơ sẽ bị hủy niêm yết là do áp dụng theo quy định tại Điều 6, Nghị định số 58/2012/NĐ-CP với kết quả kinh doanh thua lỗ ba năm liên tiếp. Đây đều là các doanh nghiệp trên báo cáo tự lập 2018 đã công bố con số thua lỗ và nhiều khả năng khó có thể đảo chiều tại báo cáo kiểm toán.
Đầu tiên là trường hợp của VHG, gánh nặng chi phí tài chính là nguyên nhân khiến VHG tiếp tục chịu lỗ 240 tỷ đồng trong năm 2018 – Đây cũng đã là năm thứ 3 liên tiếp doanh nghiệp này kinh doanh thua lỗ và sẽ nằm trong diện bị hủy niêm yết sau khi có BCTC 2018 kiểm toán.
Tiếp đó, Đầu tư và Phát triển dự án hạ tầng Thái Bình Dương (PPI) cũng đã công bố năm 2018 lỗ 91,92 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phân phối tại ngày 31/12/2018 là âm 160,17 tỷ đồng. Trước đó PPI cũng đã báo lỗ trong cả 2 năm 2016 và 2017. HOSE đã đưa ra cảnh báo về khả năng hủy niêm yết của cổ phiếu PPI.
Vinaconex 39 (PVV) đã lỗ trong cả 2 năm 2016 và 2017 lần lượt 41 tỷ đồng và 34,3 tỷ đồng, mục tiêu kinh doanh năm 2018 của công ty là lỗ tiếp 18,15 tỷ đồng nhưng kết quả là lỗ tới 43,3 tỷ đồng – "vượt xa" kế hoạch. Bên cạnh đó tại BCTC công ty mẹ và hợp nhất bán niên soát xét năm 2018 của công ty, công ty kiểm toán đã không chấp thuận toàn phần nội dung của báo cáo.
Chứng khoán Phương Đông (ORS), Địa ốc Đà Lạt (DLR) và Khoáng sản Luyện kim màu (KSK) cũng là 3 cổ phiếu tiếp theo nằm trong diện có nguy cơ bị hủy niêm yết do thua lỗ 3 năm liên tiếp.
Hủy niêm yết vì bị kiểm toán từ chối ý kiến
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có quyết định hủy niêm yết đối với cổ phiếu của Công ty cổ phần SDP (SDP) từ ngày 21/2/2019. Lý do hủy niêm yết là do tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2017 của Công ty.
Tương tự, Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (PTC) cũng đã nhận thông báo từ Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) lưu ý nguy cơ hủy niêm yết cổ phiếu nếu tại BCTC kiểm toán năm 2018 tổ chức kiểm toán vẫn từ chối đưa ra ý kiến.
HoSE cũng đã ra quyết định đưa cổ phiếu AAM của Thủy sản Mekong vào diện cảnh báo từ 31/8/2018 do vốn điều lệ đã góp của công ty giảm xuống dưới 120 tỷ đồng trên báo cáo soát xét 6 tháng 2018. Đồng thời, HoSE cũng lưu ý AAM về khả năng chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc nếu trong thời hạn 1 năm không khắc phục được vấn đề vốn điều lệ giảm xuống dưới 120 tỷ đồng căn cứ BCTC soát xét 6 tháng 2019.
Rõ ràng sự đào thải là điều tất yếu để thanh lọc thị trường chứng khoán Việt Nam tuy nhiên người chịu thiệt thòi vẫn là các cổ đông và nhà đầu tư đang nắm giữ những cổ phiếu này. Trên sàn niêm yết giá của các cổ phiếu nằm trong nhóm này đều đang ở mức rất thấp. Ví dụ cổ phiếu PPI chính thức niêm yết từ năm 2010 và có thời điểm giá cổ phiếu được kéo lên trên mức giá 30.x, tuy nhiên hiện cổ phiếu này đang có mức giá bèo nhất trên sàn HOSE, tương tự là VHG, PVV, KSK cũng đang được giao dịch ở mức giá chỉ vài trăm đồng một cổ phiếu. Chưa kể thanh khoản của những cổ phiếu này cũng ở mức rất thấp, HLG trong 10 phiên gần đây chỉ có 5 cổ phiếu được khớp lệnh, SDP và DLR thì không có cổ phiếu nào được khớp lệnh.