Ngày 14-2, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) công bố quyết định hủy niêm yết gần 710 triệu cổ phiếu của Công ty CP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) từ ngày 20-2. Nguyên nhân là do tập đoàn này đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác. Việc hủy niêm yết với cổ phiếu FLC, theo HoSE, là nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Nguy cơ biến thành "giấy lộn"
Trước đó, HoSE đã quyết định chuyển cổ phiếu FLC từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch từ ngày 9-9-2022. Nguyên nhân là do tập đoàn này chưa tổ chức họp đại hội cổ đông thường niên dù đã quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 31-12-2021, cũng như chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 và chưa chọn được đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính mới.
Ngay trong chiều 14-2, Tập đoàn FLC đã có thông cáo chính thức phản hồi về quyết định hủy niêm yết cổ phiếu FLC. Thông cáo nêu trong thời gian gần đây, FLC và các đơn vị thành viên phải đối mặt nhiều nguy cơ và khó khăn trong quá trình hoạt động, do bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các thông tin, cũng như những vấn đề phát sinh liên quan việc một số cựu lãnh đạo bị tạm giam để điều tra. Một trong những ảnh hưởng nghiêm trọng từ sự việc này là trong thời gian dài, tập đoàn không thể tìm kiếm được công ty kiểm toán chấp thuận kiểm toán báo cáo tài chính.
Nhận thức lý do bị hủy niêm yết nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp (DN) và là việc bất khả kháng, không thể khắc phục được trong thời gian ngắn, Tập đoàn FLC kiến nghị cơ quan quản lý "xem xét lại về việc hủy niêm yết cổ phiếu, trong đó cần đặc biệt xem xét đến các lý do khách quan cũng như hoàn cảnh bất khả kháng của DN trong việc thực hiện các nghĩa vụ công bố thông tin như đã giải trình". FLC cam kết sẽ nỗ lực để xúc tiến các lộ trình công bố thông tin theo quy định để "có thể bảo đảm quyền lợi của DN, cổ đông và góp phần ổn định tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán".
Việc FLC và nhiều cổ phiếu khác đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết khiến các nhà đầu tư liên quan lo lắng Ảnh: TẤN THẠNH
Ngay khi biết được thông tin cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết bắt buộc từ ngày 20-2, nhiều nhà đầu tư cá nhân nắm giữ cổ phiếu này tỏ ra hết sức hoang mang, lo lắng. Bởi lẽ, số tiền hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng, mà họ đã đổ vào cổ phiếu này có nguy cơ biến thành "giấy lộn" vì không thể mua bán được.
Những nhà đầu tư nắm cổ phiếu của các công ty khác thuộc họ FLC như ROS, HAI, ART… cũng đang rất khổ sở do thua lỗ, không mua bán được vì cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch hoặc hủy niêm yết bởi nhiều vi phạm khác nhau.
Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu họ FLC mà nhiều DN niêm yết khác trên sàn cũng đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết do DN làm ăn thua lỗ 3 năm liên tục và đã bị cơ quan quản lý cảnh báo. Cụ thể, đó là cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), UDC của Công ty CP Xây dựng và Phát triển Đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, MCG của Công ty CP Năng lượng và Bất động sản MCG (MCG), HOT của Công ty CP Du lịch Dịch vụ Hội An…
Trách nhiệm thuộc về ai?
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư Tài chính (VAFI), cho rằng khi đầu tư vào bất cứ DN nào, nhà đầu tư phải chịu một mức độ rủi ro nhất định. Tuy nhiên, với chức năng của cơ quan quản lý nhà nước, cần nghiêm túc xử lý, cảnh báo sớm các trường hợp vi phạm của lãnh đạo DN trên thị trường chứng khoán nhằm hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư; đừng để xảy ra chuyện phát hành cổ phiếu vô tội vạ kiểu "bán giấy lấy tiền", "bán chui", "thao túng cổ phiếu" rồi mới vào cuộc xử lý. Cuối cùng, nhà đầu tư phải gánh chịu mọi hậu quả.
Theo luật sư Trần Đình Dũng, Đoàn Luật sư TP HCM, với việc cổ phiếu FLC và những cổ phiếu liên quan bị hủy niêm yết, trách nhiệm đầu tiên thuộc về lãnh đạo DN vì họ đã mắc sai phạm, gây hậu quả. Sau đó, cũng có thể nói đến trách nhiệm của cơ quan quản lý vì đã để xảy ra vụ việc. Phần còn lại thuộc về trách nhiệm của chính nhà đầu tư. Vì vậy, rất khó quy trách nhiệm cụ thể cho ai để bồi thường cho nhà đầu tư.
Trong khi đó, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Đông Á (DAS), cho rằng sau sự việc các cổ phiếu thuộc họ FLC, bài học sâu sắc mà nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán rút ra là: chọn cổ phiếu phải chọn cả lãnh đạo DN, xem họ là ai, tâm - tầm và năng lực điều hành, quản trị và tài chính ra sao?
"Nếu ai từng để ý cổ phiếu FLC hay ROS có liên quan ông Trịnh Văn Quyết sẽ thấy 2 DN này thường chú trọng việc định giá lên tới hàng tỉ USD với mục đích thu hút nhà đầu tư, thay vì chú trọng lành mạnh tài chính, phát triển kinh doanh đúng hướng, ổn định và bền vững…" - ông Tuấn dẫn chứng.
Không dễ chuyển sang UpCoM
Một chuyên gia tài chính cho rằng sau khi hủy niêm yết bắt buộc, cổ phiếu của bất kỳ công ty đại chúng nào sẽ phải chuyển sang đăng ký giao dịch trên sàn UpCoM, với điều kiện là DN phải có báo cáo kiểm toán gần nhất. Với những DN có triển vọng tốt, việc thua lỗ, hủy niêm yết, chuyển sang UpCoM (nếu có) chỉ là tạm thời, nhà đầu tư vẫn mua bán cổ phiếu bình thường.
Tuy nhiên, trường hợp của FLC và các mã khác cùng họ lại rất khó vì báo cáo kiểm toán năm 2021 cũng chưa công bố. Các công ty chưa tổ chức được đại hội cổ đông năm 2022 hay việc tìm kiếm công ty kiểm toán báo cáo tài chính vẫn chưa tiến triển...