Chiều 31/1, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, dịch bệnh do virus Corona gây ra đang gây ảnh hưởng đến hoạt động giao thương, trong đó có mặt hàng nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Ngay từ trong tết, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, cũng như phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Trung và các cơ quan liên quan để nắm bắt tình hình về dịch bệnh do virus Corona phía Trung Quốc.
Theo ông Toản, do dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã cho công nhân nghỉ đến hết ngày rằm (ngày 8/2). Trung Quốc đã hạn chế các lễ hội, hoạt động tụ tập đông người, nhu cầu ăn uống tại hệ thống các nhà hàng, cũng như sức mua đều giảm…
Đặc biệt, trung tâm giao dịch hàng sản của Việt Nam ở Giang Nam (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc)- điểm trung chuyển nông sản của VIệt Nam vào thị trường này đã thông báo nghỉ giao dịch đến ngày 8/2.
Việc giao dịch các cặp chợ biên giới giữa Việt Nam và khu vực Quảng Tây-Vân Nam (Trung Quốc) tạm dừng đến ngày 8/2.
Cũng theo ông Toản, qua rà soát, một số doanh nghiệp lớn của Trung Quốc, như Công ty Hồng Thái Dương- doanh nghiệp nhập khoảng 40% của Long An để cung ứng cho thành phố Vũ Hán đã hủy khoảng 300 container thanh long ruột đỏ (khoảng 6.000 tấn) dù đã đặt hàng.
“Công ty này đã hỗ trợ 50 triệu đồng/container ngừng thu mua, nhưng con số này vẫn chưa tương xứng với giá trị các lô thanh long của nông dân”, ông Toản nói.
Ông Toản cũng cho biết, hiện tình hình tiêu thụ thanh long ruột đỏ (cung cấp chủ đạo cho thị trường Trung Quốc) cho bà con nông dân đang rất khó khăn.
Theo rà soát của Bộ NN&PTNT, từ dịp Tết đến ngày rằm tổng sản lượng thanh long ruột đỏ Long An ở là 21.600 tấn, từ rằm đến 28/2 khoảng 54.000 tấn. Từ đầu tháng 3, khu vực Tiền Giang vào vào điểm thu hoạch thanh long ruột đỏ với sản lượng khoảng 10.000 tấn.
Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng cho biết, các cặp chợ biên giới sẽ giao dịch trở lại vào ngày 9/2. Còn cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị sẽ trở lại làm việc từ 3/2. “Tuy cửa khẩu quốc tế mở, nhưng nút thắt là nếu chúng ta xuất nông sản qua bên đó, các cặp chợ chưa mở, người chưa đến thì không thể giao dịch, bởi theo lịch làm việc của họ là phải qua ngày rằm”, ông Toản nói.
Bên cạnh đó, hệ thống kho lạnh ở phía Nam còn chưa nhiều. Riêng Long An có 154 cơ sở sơ chế, đóng gói, nhưng hệ thống kho lạnh chỉ giải quyết khoảng 12.000 tấn. Do vậy, dự báo nguồn cung cục thanh long ở Long An sẽ còn gặp khó khăn.
Theo thông báo từ phía Trung Quốc, các hoạt động cửa khẩu sẽ bắt đầu trở lại bình thường sau ngày 8/2.
Để hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, bà con nông dân, ông Toản cho biết, ngay chiều 31/1, Bộ sẽ có văn bản gửi các địa phương sản xuất trọng điểm, rà soát từng cơ cấu sản phẩm trái cây, theo lịch thời vụ chi tiết.
Cùng đó, Bộ sẽ đề nghị các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp lớn chế biến, tăng công suất thu mua, sơ chế, chế biến, lưu kho. “Ngoài ra, đầu tuần tới, Bộ sẽ làm việc với Bộ Công Thương, hệ thống siêu thị, để thúc đẩy tiêu thụ nội địa qua kênh siêu thị”, ông Toản nói.
Cũng theo ông Toản, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Bộ Công Thương làm việc với hiệp hội logistics để phát huy hết công suất kho chứa của hệ thống này trong việc hỗ trợ nông dân.
Theo ông Toản, Bộ NN&PTNT cũng chỉ đạo hệ thống, đặc biệt là các Sở NN&PTNT, bám sát, rà soát từng vùng, huyện, xã để chia sẻ để nắm bắt tình hình sản xuất. “Cái này không phải là giải cứu, mà kết nối giữa bà con nông dân với các doanh nghiệp, tập trung vào nâng cao năng lực chế biến và đa dạng hóa thị trường”, ông Toản nói.
Lãnh đạo Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng lưu ý, các địa phương cơ cấu lại mùa vụ hợp lý. “Chúng ta vào cuộc chủ động, không chủ quan. Tuy nhiên, các sở ban ngành, bà con bình tĩnh, tránh tình trạng tư thương lợi dụng tình hình, ép giá”, vị Cục trưởng nói.
Ông Toản cũng khuyến cáo, bà con nông dân nên ký kết hợp đồng với các đối tác thu mua theo mua vụ, trong trường hợp thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai còn có cơ sở để hỗ trợ.