Tính đến ngày 5/8, Bình Liêu (Quảng Ninh) là huyện duy nhất có độ phủ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 50% dân số trên địa bàn. Ngay sau khi nhận được vắc xin, chính quyền đã tiêm cho 80% số đối tượng được tiêm là công dân của huyện từ 18 tuổi lên.
"Chúng tôi là huyện đạt tỷ lệ tiêm cao nhất cả nước đến thời điểm này. Các bạn biết chúng tôi dùng vắc xin gì không? Vero Cell của Sinopharm đấy", bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh - Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu - chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh - Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu
Thanh An: Thưa bà, để có được kết quả tiêm chủng vắc xin Covid -19 cao như hiện nay chắc hẳn Bình Liêu phải xây dựng một kế hoạch tiêm chủng rất bài bản?
Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh: Đúng là từ đầu tháng 4/2021, tỉnh Quảng Ninh đã giao nhiệm vụ cho các huyện/thành phố lên kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 toàn dân. Như vậy về tinh thần chúng tôi đã nắm rõ, chỉ có điều thời điểm cụ thể khi nào vắc xin về đến huyện, vắc xin loại gì, thì chưa xác định được thôi.
Đến ngày 8/7, chúng tôi nhận thông tin Bình Liêu cùng Móng Cái, Hải Hà là những huyện thuộc địa bàn biên giới nên được ưu tiên vắc xin sớm để tiêm phòng cho toàn dân từ 18 tuổi trở lên. Loại vắc xin huyện sẽ được nhận là Sinopharm theo chương trình viện trợ của chính phủ Trung Quốc.
Xác định đây là sự quan tâm, ưu tiên rất lớn của Trung ương, của tỉnh đối với nhân dân Bình Liêu nên lãnh đạo huyện đã ban hành kế hoạch số 2044/KH-UBND về việc triển khai Kế hoạch tiêm phòng đợt V năm 2021 cho toàn bộ người dân Bình Liêu. Tuy nhiên, thời gian triển khai vẫn chưa được xác nhận.
Ngày 12/7, Sở Y tế tỉnh thông báo đang chuyển vắc xin về đến Trung tâm Y tế huyện và đề nghị Bình Liêu triển khai tiêm ngay cho bà con. Phía Sở Y tế cam kết hỗ trợ chuyên gia sát cánh cùng Bình Liêu. Ngay trong buổi sáng hôm ấy, lãnh đạo huyện đã tổ chức họp trực tuyến tới tận cấp xã, rồi cán bộ thôn bản để kích hoạt mọi kế hoạch.
Chúng tôi xác định mặc dù thời gian rất gấp gáp nhưng vì đã có sẵn kế hoạch rồi nên lúc này chỉ cần thật tập trung làm từng công đoạn một cách khẩn trương thôi.
Đến sáng ngày 13/7, Bình Liêu bắt đầu tổ chức đón tiếp, khám sàng lọc và tiêm những mũi vắc xin Covid-19 đầu tiên cho người dân trong độ tuổi từ 18 - 65.
Tiêm vắc xin cho người dân huyện Bình Liêu.
Thanh An: Ngày đầu tiên tiêm chủng đã diễn ra như thế nào thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh: Do thông tin tuyên truyền triển khai rất vội nên số lượng người đến tiêm trong ngày đầu tiên chưa được nhiều.
Toàn huyện có 9 điểm tiêm với 18 bàn tiêm, ngày đầu tiên chắc chỉ tiêm được cho gần 100 người dân đủ điều kiện. Nếu cứ để tình trạng này diễn ra chưa biết đến bao giờ Bình Liêu mới tiêm được 20.000 liều vắc xin được phân bổ.
Chắc bạn cũng hiểu Bình Liêu là huyện miền núi, địa bàn chia cắt nên khá phức tạp cho việc đi lại của bà con. Hơn nữa thời điểm tiêm lại rơi đúng vào mùa vụ. Bà con đang thu hoạch hồi và cấy lúa cho nên thuyết phục người dân rời bản, rời nương rẫy lúc ấy là không dễ.
Ngay trong chiều ngày 13/7, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của huyện quyết định phải đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, hỗ trợ người dân đến tiêm phòng tới tận cấp thôn, bản. Các tổ tuyên truyền cấp xã đề xuất sáng kiến ngay tối hôm đó anh chị em sẽ xuống tận thôn, bản đến từng nhà trò chuyện với bà con.
Sở dĩ chúng tôi chọn giờ làm việc vào buổi tối là bởi vì lúc ấy mới gặp được người cần gặp. Chứ ban ngày bà con đâu có ở nhà.
Người dân huyện Bình Liêu khử khuẩn tay tại điểm tiêm chủng.
Thanh An: Có chuyển biến tích cực sau khi huyện tăng cường tuyên truyền như vậy chứ, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh: Cũng có tâm lý băn khoăn về vắc xin của Trung Quốc. Trước những băn khoăn đó, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo phải giải đáp hết sức minh bạch. Quyền quyết định là ở người dân.
Thật ra mình chỉ thông tin trung thực thôi. Thứ nhất, vắc xin Sinopharm đã được WHO cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Thứ hai, vắc xin này đang sử dụng tại 59 quốc gia với hơn 800 triệu liều đã tiêm.
Thứ ba, đây là loại vắc xin Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam, dùng để tiêm cho cả công dân Trung Quốc đang làm việc trên lãnh thổ Việt Nam. Vắc xin này đã được Bộ Y tế kiểm định, khuyến cáo sử dụng.
Chúng ta vẫn nói "chống dịch như chống giặc". Giặc đến nhà là lúc mình cần mọi thứ vũ khí để chống lại. Bà con nắm rõ thông tin thì đồng ý.
Tuy nhiên không phải người dân nào cũng dễ dàng đến được điểm tiêm. Ban chỉ đạo lại phải tính nhiều cách hỗ trợ cho phù hợp. Ngoài những người chủ động được xe cộ, UBND xã đã lên danh sách bố trí xe ô tô đưa đón bà con.
Với những địa chỉ hẻo lánh quá, cán bộ xã đi xe máy đến tận nhà chở bà con đi tiêm. Rồi với người có bệnh nền hay vấn đề về sức khỏe thì xã bố trí đưa xuống tận Trung tâm Y tế huyện tiêm để mọi phản ứng sau tiêm kịp xử lý, đảm bảo an toàn nhất cho bà con.
Trên thực tế, trong tổng số 15.999 mũi vắc xin đã tiêm, ghi nhận phản ứng nặng với thuốc là chưa có.
Chỉ một số trường hợp rất ít có phản ứng nhẹ như hoa mắt chóng mặt. Nhân viên y tế cho bà con nghỉ ngơi, uống sữa, ăn bánh... theo dõi một lúc lại bình thường. Rất nhiều người sáng đi tiêm, trưa về nghỉ chiều đã lên rẫy thu hồi, cấy lúa.
Thời gian tiêm dự kiến ban đầu từ 8h - 11h30 sáng và 13h30 - 17h chiều. Tuy nhiên khi triển khai lại phải lựa cho thuận tiện với người dân.
Vì liên quan đến mùa vụ, buổi sáng anh chị em đã đẩy giờ tiêm lên sớm hơn để sau khi tiêm xong bà con có thời gian đi lao động sản xuất. Buổi chiều đã có hôm phải kéo dài đến 8h tối, khi người dân từ trong rừng ra đến điểm tiêm. Với chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 toàn dân này, y bác sĩ đã phải cố gắng hết sức.
Tiêm vắc xin cho người dân huyện Bình Liêu.
Thanh An: Ngoài những kết quả huyện đã báo cáo, tác động nào từ việc phủ rộng vắc xin phòng Covid-19 ở Bình Liêu khiến bà hạnh phúc?
Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh: Chả riêng gì tôi, hơn 30.000 người dân Bình Liêu đều nhận thấy được tiêm vắc xin là việc rất tốt cho chính bản thân và cộng đồng trong bối cảnh dịch căng thẳng như thế này.
Phải nói trước đây khi bắt đầu phát sinh dịch Covid-19, địa bàn biên giới như Bình Liệu được xác định nguy cơ rất cao. Tuy nhiên bây giờ phía Trung Quốc áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn rất quyết liệt.
Chính quyền giữa hai bên thường xuyên phối hợp các biện pháp phòng chống dịch với nhau. Nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ nội địa vào huyện lúc này lại trở nên cao hơn từ phía biên giới. Rất may Bình Liêu thuộc Quảng Ninh - tỉnh thời gian vừa qua đã có những quyết sách phòng chống dịch rất tốt.
Chiến lược phòng chống dịch của chúng ta là "5K vắc xin" - đó là ưu tiên hàng đầu. Đến ngày hôm nay trò chuyện với bạn, Bình Liêu đã trở thành huyện đầu tiên trong toàn quốc tiêm vắc xin đến hơn 50% dân số. Xét về tỷ lệ tiêm chủng, kém gì các quốc gia phát triển đâu.
Khi người dân được tiêm phòng với tỷ lệ cao như vậy đồng nghĩa với việc huyện đang từng bước xây dựng được địa bàn an toàn. Từ đó, bà con thì phấn khởi, lãnh đạo huyện thì có thể tự tin thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.
Tiêm vắc xin cho người dân huyện Bình Liêu.
Thanh An: Những thông tin dường như đang rất khả quả vào thời điểm này thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh: Là hiện thực rất lý tưởng mới đúng.
Năm ngoái khi dịch tạm lắng, chính quyền huyện đã có chủ trương kích cầu du lịch nội địa cho nên du lịch của Bình Liêu phát triển tương đối tốt. Năm nay huyện đã xây dựng kế hoạch đa dạng hơn cho du lịch rồi nhưng vì tình hình dịch bệnh khiến tất cả phải tìm giải pháp khác phù hợp với tình hình.
Thời điểm này, thương mại biên giới lại đang phát huy vai trò tích cực trong cơ cấu kinh tế của huyện.
Trong khi nhiều cửa khẩu trên toàn tuyến biên giới phía Bắc bị đóng băng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì riêng các cửa khẩu của Bình Liêu lại thu hút doanh nghiệp rất tốt. Quan trọng nhất là nhờ Bình Liêu đã và đang giữ được một địa bàn an toàn cho nên các hoạt động thông thương được diễn ra bình thường.
Hơn nữa, huyện thường xuyên chỉ đạo, thậm chí trực tiếp tổ chức, thực hiện cùng các lực lượng chức năng nhằm hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Chúng tôi quản lý trên tinh thần phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp hết sức.
Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn đã phối hợp rất sát với huyện để lên các phương án thông quan hàng hóa vừa nhanh vừa an toàn, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch. Thường xuyên trong ngày, trong tuần, trong tháng lãnh đạo huyện đều thực hiện hội đàm, đi đến thống nhất với các cơ quan, doanh nghiệp phía bên kia biên giới. Mình làm việc thẳng với quan chức địa phương và Hải quan Trung Quốc để chốt thống nhất phương án thông quan nhanh nhất cho doanh nghiệp mình.
Chính vì thế doanh nghiệp mới có lòng tin. Số doanh nghiệp hướng các luồng xe về với Hành Mô một năm lại đây tăng lên tương đối nhiều, dẫn đến giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu cũng như thu thuế xuất nhập khẩu của Bình Liêu đang rất khả quan.
Thanh An: Còn người dân, dịch thế này đời sống kinh tế của đồng bào Bình Liêu có bị ảnh hưởng nhiều lắm không thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh: Bình Liêu cũng cùng chung tình trạng với tất cả các địa phương khác trong cả nước. Dịch bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của bà con chứ chưa nói đến chuyện sản xuất kinh doanh.
Nhưng cái được và cũng là thế mạnh rất lớn của Bình Liêu là nhân dân rất đồng tình ủng hộ để UBND huyện triển khai các biện pháp phòng chống dịch, hướng đến một địa bàn an toàn. Rõ ràng chỉ khi cả cộng đồng được an toàn thì mỗi cá nhân trong đó mới có thêm cơ hội được sống bình thường, được duy trì những sinh hoạt cũng như hoạt động kinh doanh tối thiểu bình thường của mình.
Ngoài những hỗ trợ theo chính sách của nhà nước và của tỉnh, số bà con trước đây kinh doanh các loại hình dịch vụ du lịch như homestay ở các bản làng đang có sự thay đổi khá linh hoạt. Nhiều hộ dân quay lại làm nông nghiệp, lại có hộ dân lên cửa khẩu tham gia cung cấp các dịch vụ thương mại biên giới... Thực tế cho thấy, thu nhập trung bình của bà con đang được duy trì so với những năm trước.
Thêm một tín hiệu rất vui nữa đang đến với nhân dân Bình Liêu là bắt đầu từ Thứ Hai tuần này, ngày 09/8, huyện sẽ triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi thứ 2 cho toàn dân từ 18 tuổi trở lên. Số lượng vắc xin huyện vừa được phân bổ là 15.196 liều, đủ cho tất cả những người đã tiêm mũi 1.
Tổng thời gian tiêm chỉ kéo dài trong 7 ngày. Trong đó ngày 14 - 15/8 sẽ là những buổi tiêm vét cuối cùng để hướng đến mục tiêu 50% người dân Bình Liêu tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid - 19. Bình Liêu đang nỗ lực cùng toàn tỉnh Quảng Ninh tăng tốc chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 nhằm hướng đến chủ động tạo miễn dịch cộng đồng càng sớm càng tốt.
Rút kinh nghiệm từ đợt tiêm trước, lần này huyện đã chuẩn bị bài bản hơn rất nhiều khi cho xuất bản các bản tin phát thanh tuyên truyền có tiếng Dao, tiếng Sán Chỉ... giúp thông tin đến với đồng bào dân tộc một cách dễ dàng hơn.
Thanh An: Xin cảm ơn bà và chúc mừng nhân dân Bình Liêu với mục tiêu hướng đến miễn dịch cộng đồng một cách chủ động!
Trong vòng 10 ngày (13 - 23/7/2021), huyện Bình Liêu với 18 đội tiêm đã tiêm được 15.196/20.260 mũi cho công dân từ 18 tuổi trở lên, đạt 75% kế hoạch. Toàn huyện đã có 15.999/32.975 người tiêm xong mũi 1, đạt 48,5% tỷ lệ bao phủ vắc-xin COVID-19. Những người chưa tiêm mũi thứ nhất do có bệnh nền, người đang nuôi con nhỏ, mang thai hoăc đi làm ăn xa không ở trên địa bàn.
Các trường hợp tiêm phòng vắc-xin COVID-19 mũi thứ nhất sức khỏe ổn định, không có trường hợp diễn biến sức khỏe xấu.