Sáng 30/7, Thành ủy TPHCM đã tổ chức hội nghị Xây dựng Đề án tổng thể các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Trần Lưu Quang, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan tham dự hội nghị.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Đỗ Thị Lâm Tuyền cho biết, Hóc Môn là huyện ngoại thành, có tốc độ đô thị hóa nhanh với diện tích hơn 10.900 ha, bao gồm 500.000 nhân khẩu.
Hiện nay, quỹ đất nông nghiệp của huyện còn khá lớn với 5.200 ha. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến tình hình vi phạm trong trật tự xây dựng diễn ra phức tạp trong thời gian qua.
Theo thống kê của UBND huyện, từ ngày 25/6/2018 đến tháng 6/2019, qua kiểm tra, huyện phát hiện có 108 vụ vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, trong đó có 53 trường hợp xây dựng sai phép, 54 vụ xây dựng không phép và 1 vụ xây dựng gây lún nứt các công trình xung quanh.
Hội nghị bàn về các giải pháp chấn chỉnh trật tự trong lĩnh vực xây dựng ở TPHCM
UBND huyện đã ban hành quyết định cưỡng chế tháo dỡ 8 vụ và vận động 21 trường hợp vi phạm chấp hành tự tháo dỡ.
Bà Đỗ Thị Lâm Tuyền, UBND các xã – thị trấn có ban hành quy chế phối hợp nhưng thông tin vi phạm chưa cung cấp kịp thời, công tác xử lý vi phạm chưa đồng bộ. Trong khi đó, bộ máy hành chính cấp xã vừa thiếu, vừa yếu; trình độ chuyên môn của cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu.
Lãnh đạo UBND huyện cho biết đã triển khai nhiều biện pháp đột phá để ngăn chặn vi phạm ngay từ đầu, trong đó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã-thị trấn phải cam kết, nếu vẫn để xảy ra vi phạm trong xây dựng thì sẽ bố trí công tác khác. Cán bộ công chức tái phạm quản lý trật tự xây dựng sẽ bị xử lý nghiêm.
Theo bà Đỗ Thị Lâm Tuyền, thực tế việc cưỡng chế các công trình vi phạm có một số khó khăn như chủ đầu tư xin phép xây nhà ở riêng lẻ. Bản vẽ thiết kế bố trí các phòng chức năng nhưng trên thực tế, chủ công trình không xây tường ngăn phòng để biến công trình xây dựng thành…nhà xưởng.
Có nhiều đầu nậu xin phép xây dựng nhà ở riêng lẻ nhưng xây thêm tường, ngăn phòng và làm nhiều cửa để biến thành … nhà ba chung. “Mình tháo dỡ, phá vỡ công trình thì được, còn buộc xây các phòng chức năng, làm cửa… thì rất khó”, bà Tuyền thừa nhận.
Bà Đỗ Thị Lâm Tuyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn
Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết đã áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng cách yêu cầu UBND các xã lập kế hoạch và tiến hành “xây giúp” chủ công trình sai phép các hạng mục còn thiếu trong giấy phép và bản vẽ rồi buộc chủ đầu tư thanh toán kinh phí. Do đó các chủ đầu tư cũng e ngại hơn.
Ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết huyện Bình Chánh có diện tích 25.000 ha với trên 700.000 nhân khẩu, tốc độ tăng dân số cơ học bình quân 30.000 dân/năm. Riêng hai xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B có dân số trên 120.000 người, trong đó trên 50% là dân nhập cư.
Theo thừa nhận của ông Trần Phú Lữ, nhu cầu nhà ở có diện tích nhỏ từ 40 - 60 m2. Các đối tượng đầu nậu phân lô bán nền và rao bán, chuyển nhượng bằng giấy tay, công chứng vi bằng. Một số cán bộ địa chính chậm kiểm tra, xử lý. Qua kiểm tra của lãnh đạo huyện, có tình trạng cán bộ ấp dung túng, bao che cho các trường hợp vi phạm.
Nhà 3 chung đang nở rộ ở TPHCM
“Tình trạng phân lô bán nền, xây dựng trái phép trên địa bàn huyện Bình Chánh còn rất phức tạp. Tuy nhiên, việc xử lý các đầu nậu còn rất khó khăn vì các đối tượng trên nắm rõ luật và tìm cách lách luật”, ông Lữ cho hay.
Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh còn cho biết đã yêu cầu các tập thể, cá nhân liên quan kiểm điểm, xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép, không phép nhưng vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh. UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn. cấp huyện làm nghiêm nhưng cấp xã xử lý còn nhẹ, chưa tương xứng với các hành vi vi phạm.