Một trường hợp hy hữu xảy ra liên quan tới đại án “Hứa Thị Phấn và đồng phạm” tại Ngân hàng Xây dựng (Ngân hàng CB) khi DN bị phán quyết thu 200 tỷ đồng “vật chứng” vụ án.
Tổng CTCP Xây dựng Điện Việt Nam - VNECO (VNE) vừa có văn bản thông tin về việc cơ quan thi hành án có thể kê biên những tài sản không liên quan đến đại án “Hứa Thị Phấn và đồng phạm”.
Theo VNECO, năm 2007, tổng công ty này đã ký hợp đồng và chuyển cho bà Ngô Kim Huệ (nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Đại Tín - tiền thân của Ngân hàng CB) 310 tỷ đồng để hợp tác đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác dự án công trình phức hợp cao tầng tại thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Do không thực hiện theo thỏa thuận ban đầu, tháng 6/2010, hai bên đã tiến hành thanh lý hợp đồng. Theo đó, phía bà Huệ phải hoàn trả lại cho VNECO 400 tỷ đồng. Số tiền 200 tỷ đồng bị cáo Huệ chuyển cho VNECO nằm trong số tiền 400 tỷ đồng theo hợp đồng thanh lý.
Cũng theo VNECO, việc thanh lý hợp đồng hoàn thành trước khi đại án Hứa Thị Phấn được xét xử 8 năm.
Tuy nhiên, đến 2018, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm. VNECO là bên có nghĩa vụ quyền lợi liên quan trong vụ án này. Cả tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều xử buộc VNECO trả lại 200 tỷ cho Ngân hàng Xây dựng - được xác định là “tang vật của vụ án”.
Hy hữu: Tòa đòi vật chứng 200 tỷ, DN nói tiền làm ăn đã tiêu hết |
Cũng chính vì phán quyết của tòa án, VNECO cho biết, doanh nghiệp phải đối mặt với việc cơ quan thi hành án yêu cầu thi hành án những tài sản khác của VNECO không phải là vật chứng vụ án, không liên quan đến vụ án hình sự này. Điều này ảnh hưởng đên việc triển khai các dự án quốc gia về điện mà VNECO đang là tổng thầu.
Do vụ việc kéo dài, hoạt động kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều ngân hàng đánh giá VNECO có khoản phải trả bắt buộc quá rủi ro, vì vậy không cấp vốn tín dụng. DN này cũng không thể phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ để đầu tư và kinh doanh vì cổ đông sợ rủi ro.
Nhưng chuyện hy hữu là đến nay, VNECO cho hay không giữ “vật chứng” do số tiền sau khi nhận từ việc thanh lý hợp đồng, DN đã đầu tư vào các công trình xây dựng điện.
VNECO cũng đã sao kê thông tin tài khoản của doanh nghiệp không còn tiền. Số tiền 200 tỷ đồng do Ngô Kim Huệ chuyển đã được sử dụng, chi tiêu hết vào các dự án của công ty trước khi cơ quan chức năng khởi tố vụ án hình sự nói trên.
Bộ Luật tố tụng hình sự quy định, vật chứng vụ án là công cụ, phương tiện phạm tội, là tiền, tài sản mà tội phạm hướng tới khi thực hiện hành vi phạm tội... Về nguyên tắc, vật chứng sẽ bị thu hồi và xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, không phải vật chứng nào cũng có thể thu hồi, đặc biệt là những vật chứng là vật cùng loại, vật tiêu hao.
“Vật chứng” trước tiên phải là “vật”, là những thứ hữu hình, cảm tính, có thể cảm nhận được bằng cảm giác. Còn thông tin về việc chuyển khoản, dấu vết chuyển khoản và số tiền chuyển khoản (vật cùng loại) đã được đưa vào lưu thông, không còn trong tài khoản nữa thì không thể gọi là vật chứng của vụ án.
Cũng theo VNECO, tiền bà Huệ chuyển cho VNECO là tiền chuyển khoản, chỉ có con số. Và số tiền đó đã được đưa vào lưu thông, không còn trong tài khoản.
Còn những tài sản khác của VNECO không phải là tài sản do phạm tội mà có, không liên quan tới vụ án hình sự này.
Bên cạnh đó, VNECO lý giải, trong tổng số 400 tỷ đồng mà VNECO nhận được từ bị cáo Ngô Kim Huệ (đồng phạm của Hứa Thị Phấn) thì đã có 310 tỷ đồng là của VNECO nên không có cơ sở để VNECO phải trả lại số tiền 200 tỷ đồng cho Ngân hàng Xây dựng.
Về vụ án “Hứa Thị Phấn và đồng phạm”, 16 ngân hàng bị mời ra tòa trong phiên xử nữ đại gia này. Bà Hứa Thị Phấn đẩy dư nợ khống và gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.
Trước đó, năm 2015, Ngân hàng Xây dựng (tiền thân là Ngân hàng Đại Tín) là một trong 3 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng do liên tục thua lỗ và nợ xấu rất cao.
V. Hà