Một nguồn tin thân cận cho biết các quan chức cấp cao đang thảo luận về văn bản của thoả thuận thương mại, sẽ được xem xét khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc chính thức gặp Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin tại Washington vào tháng 10 này. Nguồn tin ẩn danh tiết lộ, văn bản này được thực hiện dựa trên một bản thảo mà 2 bên đã thảo luận hồi tháng 4.
Thực hiện một phần của các cuộc thảo luận, Trung Quốc đã đề nghị mua thêm nông sản của Mỹ để phía Washington trì hoãn một số lệnh áp thuế và nới lỏng lệnh trừng phạt của Huawei. Nguồn tin trên còn cho biết, Trung Quốc cũng có thể đưa ra nhiều cơ hội tiếp cận thị trường hơn, thực hiện sự bảo vệ hiệu quả hơn đối với sở hữu trí tuệ, cải thiện tình trạng dư thừa năng lực sản xuất, chính sách công nghiệp và thực hiện cải cách các doanh nghiệp nhà nước.
Khi các cuộc đàm phán sẽ diễn ra trong vài tuần nữa, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang nỗ lực tận dụng sự ủng hộ từ cộng đồng doanh nghiệp. Hôm 10/9, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu với các đại diện thương mại Mỹ rằng, Trung Quốc muốn một giải pháp được cả 2 bên đồng thuận đối với mâu thuẫn thương mại. Ông cũng cho biết Bắc Kinh hoan nghênh sự đầu tư của các công ty Mỹ vào Trung Quốc, và rằng việc mở cửa và cải cách của đất nước vẫn được tiếp tục thực hiện.
Trong một cuộc họp khác với CEO của Citigroup Michael Corbat, ông Lý Khắc Cường nói rằng Trung Quốc kiên quyết phải đối cuộc chiến thương mại và hy vọng công đồng doanh nghiệp Mỹ sẽ giúp thúc đẩy quan hệ kinh tế và thương mại song phương theo hướng ổn định, hợp tác.
Những nguồn tin thân cận tiết lộ, các cuộc đàm phán đã đổ vỡ hồi tháng 5 dù văn bản về thoả thuận thương mại đã được hoàn thiện tới 90%, bao gồm cả thoả thuận về vấn đề tiền tệ. Hai nước tiếp tục nối lại đàm phán vào tháng 7 nhưng cũng không có sự tiến triển nào. Các chuyên gia cho biết Mỹ muốn nối lại đàm phán dựa theo văn bản trước đó, nhưng Trung Quốc lại ra điều kiện Mỹ phải dỡ bỏ thuế quan. Sau đó, ông Trump giận dữ, tuyên bố áp thuế vào tháng 10. Trung Quốc cho phép đồng NDT giảm xuống dưới ngưỡng 7 đổi 1 USD, thị trường lo ngại rằng chiến tranh tiền tệ giữa 2 nước sẽ xảy ra.
Scott Kennedy, cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington nhận định về động thái mới của Trung Quốc: "Ai cũng biết rằng hai bên đều thiếu sự tin tưởng ở nhau và thoả thuận về đậu tương cũng không thể thay đổi điều đó. Sẽ hiệu quả hơn nếu họ hạn chế những động thái như vậy và thay vào đó là quay trở lại bàn đàm phán càng sớm càng tốt."
Theo cựu chủ tịch Văn phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, James Zimmerman, các cuộc biểu tình và chiến tranh thương mại không còn là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc, vì giá thịt lợn mới là yếu tố chiếm ưu thế trong chương trình nghị sự. Ông nói rằng thoả thuận mua nông sản có nguy cơ vi phạm các quy tắc thị trường và gặp thách thức bởi các nước khác."
Zimmerman nhận định thêm: "Cuộc họp vào tháng 10 là để lễ kỷ niệm trọng đại của Trung Quốc trôi qua một cách yên bình. Các cuộc đàm phán rồi sẽ bị đình trệ đến năm 2020 khi ông Trump gặp khó khăn trong chiến dịch tái tranh cử. Ông Trump đáng lẽ ra nên vui vẻ hơn nếu ông ấy hoàn thành hiệp ước đầu tư song phương và TPP. Chiến thuật mà ông ấy sử dụng là một sai lầm rất lớn khi rút khỏi BIT và TPP. Điều đó khiến rất nhiều cơ hội, đòn bẩy chiến lược chống lại Trung Quốc và danh tiếng lâu dài của Mỹ bị mất đi."
Tại Bắc Kinh, giới lãnh đạo đang tập trung vào những mục tiêu dài hạn, cho thấy rằng một thoả thuận thương mại với Mỹ sẽ chỉ là thoả thuận ngừng bắn. Vào bài phát biểu hôm thứ Ba tuần trước, Chủ Tập Cận Bình kêu gọi đảng lãnh đạo chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài với rất nhiều rủi ro. Tuy nhiên, Trung Quốc đã tuyên bố những bước tiếp theo để tự do hoá thị trường tài chính trong nước và thu hút vốn từ nước ngoài. Ngày 10/9, Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước tuyên bố sẽ dỡ bỏ giới hạn cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào thị trường Trung Quốc.