Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), cho biết theo quyết định về danh mục thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017-2020, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu 6 bộ và 16 địa phương chuyển giao 62 doanh nghiệp (DN) với tổng số vốn nhà nước trên 11.200 tỉ đồng về SCIC để đơn vị triển khai bán phần vốn nhà nước tại các DN này. Tuy nhiên, đến nay, SCIC mới chỉ tiếp nhận 25 DN với tổng vốn nhà nước hơn 862 tỉ đồng trên tổng vốn điều lệ là 2.068 tỉ đồng.
Không "kén cá chọn canh"
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Đức Chi khi nói về việc tiếp nhận DN từ các bộ, địa phương về SCIC. Người đứng đầu SCIC nhấn mạnh đơn vị này không "kén cá chọn canh" hay chỉ chọn những DN kinh doanh tốt. Ông Chi cho rằng với các DN có tồn tại về tài chính, trách nhiệm không phải do SCIC gây ra nhưng đơn vị sẵn sàng tiếp nhận để quản trị, cơ cấu lại.
Chính phủ nhiều lần nhắc nhở về tiến độ chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN từ các bộ, địa phương về SCIC song việc này vẫn ì ạch khi các cơ quan nắm DN vẫn chưa rốt ráo thực hiện. Về phía SCIC, ông Chi cho biết đã phối hợp với Bộ Tài chính thành lập nhiều đoàn công tác làm việc với các bộ, địa phương có DN thuộc diện chuyển giao để đốc thúc nhưng kết quả vẫn đạt thấp.
Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, SCIC mới tiếp nhận được 5 DN trong tổng số 45 DN theo kế hoạch. Hiện tại, 5 bộ và 8 địa phương giữ quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 37 DN vẫn chưa chuyển giao về SCIC theo yêu cầu của Thủ tướng.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng Giám đốc phụ trách SCIC, cho biết có một số vướng mắc liên quan đến Luật Ngân sách nhà nước khiến các địa phương chưa muốn chuyển giao DN. SCIC đã làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Văn phòng Chính phủ về vấn đề này. Sắp tới, Chính phủ sẽ có hướng dẫn, giải thích rõ hơn để tránh trường hợp các tỉnh, thành không chịu bàn giao DN về SCIC do lo ngại ảnh hưởng đến cân đối ngân sách địa phương.
Về tình trạng chậm chuyển giao DN về SCIC, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng còn một số bộ, ngành và địa phương chưa tích cực thực hiện, thậm chí trì hoãn việc chuyển giao DN đủ điều kiện. Lý do việc chậm chuyển giao là vì sự giằng xé lợi ích giữa các bên.
Bộ Công Thương còn nhiều doanh nghiệp chưa chuyển giao về SCIC theo kế hoạch
Chưa muốn "buông" lợi ích
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ Tài chính, cũng cho rằng bài toán lợi ích, bài toán được "làm chủ" DN khiến nhiều nơi còn chần chừ, không muốn chuyển giao DN về SCIC.
"Nguyên nhân lớn nhất là các bộ, địa phương chưa muốn từ bỏ lợi ích của họ, còn muốn cố níu kéo nên chưa buông. Dù Chính phủ và các cơ quan liên quan đã thông báo về việc chuyển giao rất nhiều lần nhưng bộ, địa phương vẫn tìm rất nhiều lý do để chậm trễ, thậm chí còn cố tình lờ đi, không thực hiện" - ông Ngô Trí Long băn khoăn.
Về vấn đề này, lãnh đạo SCIC cũng chỉ rõ nhiều DN thuộc các bộ đã hoàn thành thủ tục để chuyển giao trong các tháng vừa qua nhưng đều không thực hiện. Ông Nguyễn Đức Chi dẫn chứng: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chần chừ bàn giao khi SCIC đã làm việc với 5 DN thuộc bộ này. Mọi văn bản, thủ tục đã hoàn tất nhưng việc chuyển giao đang giậm chân tại chỗ vì bộ cho rằng còn vướng chỗ này chỗ kia. Đối với Bộ Công Thương, SCIC cũng đã làm việc với các DN thuộc diện chuyển giao, trong đó có Tổng Công ty Thép Việt Nam và Tập Đoàn Dệt may Việt Nam. Thủ tục cũng đã hoàn tất nhưng bộ này hiện chưa ký quyết định chuyển giao.
"Việc bàn giao và nhận bàn giao vốn nhà nước tại DN gặp rất nhiều khó khăn. SCIC chỉ là DN và chỉ có thể làm việc với các bộ, ngành vì họ là chủ sở hữu và là nơi quyết định việc bàn giao DN chứ SCIC không thể bắt buộc được. Quy định pháp lý đã có nhưng cần xem lại tính nghiêm minh trong việc này. Nếu các bộ, ngành thực thi nghiêm thì thuận lợi cho SCIC" - ông Chi nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết khi chuyển giao DN về SCIC, nếu đó là DN hoạt động tốt thì không sao nhưng DN có tồn tại thì các bộ và địa phương lo sợ phải chịu trách nhiệm nên vẫn nhì nhằng chưa muốn "buông". Ngoài ra, do chưa có chế tài để xử lý nghiêm việc chậm trễ này nên các đơn vị chủ sở hữu vẫn rất thong dong. Để chấn chỉnh tình trạng này, ông Long đề xuất cần có chế tài xử lý các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhằm tạo áp lực các bên liên quan phải thực hiện quyết liệt theo chỉ đạo.
Trước đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Văn phòng Chính phủ đôn đốc các tập đoàn, tổng công ty phản ánh những vướng mắc, khó khăn trong cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp lại DN nhà nước và kiến nghị với Chính phủ. Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát danh mục bàn giao về SCIC theo tinh thần các bộ, địa phương bàn giao hết những DN nhà nước đã cổ phần hóa.
Xem xét trách nhiệm người đứng đầu
Chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng trong việc chậm trễ chuyển giao DN, cần xem xét trách nhiệm người đứng đầu. Theo ông, lãnh đạo bộ, địa phương không quyết tâm thì việc này còn phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần, trong khi kết quả vẫn giậm chân tại chỗ. Cùng với đó, khi đã có chế tài, có quy định thì việc chậm trễ phải được "chỉ mặt đặt tên" do khâu nào để xử lý trách nhiệm.