Tại Hà Nội, có 36/55 dự án trọng điểm giai đoạn 2016-2020 bị chậm tiến độ. Tại TP HCM, so với kế hoạch đến ngày 31-7, có 11 quận, huyện giải ngân dưới 50%; cá biệt quận 11 "đội sổ" khi giải ngân chỉ được 4%.
Chậm ở cả 2 đầu tàu kinh tế
Từng được biết đến là tuyến đường "đắt nhất hành tinh" với tổng đầu tư mỗi mét lên tới 3,4 tỉ đồng, dự án đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (TP Hà Nội) đang gặp vướng mắc lớn về giải phóng mặt bằng (GPMB). Đi qua địa bàn đông dân cư thuộc vùng lõi của Hà Nội nên dự án này phải di dời tới 2.300 hộ, song đến nay vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của người dân. Do vậy, dù được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề giao thông cho trung tâm thủ đô, nay dự án vẫn chưa thể triển khai.
Tương tự, dự án Khu Liên hợp Xử lý chất thải Sóc Sơn cũng được các cơ quan chức năng của TP Hà Nội tập trung thực hiện GPMB trong thời gian qua nhưng tiến độ vẫn còn khá chậm. Hiện đã kiểm đếm gần 1.930 thửa đất nông nghiệp, trong đó đã lập và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ gần 490 thửa với diện tích đất thu hồi hơn 34 ha. UBND huyện Sóc Sơn đã bắt đầu chi trả 216 tỉ đồng tiền bồi thường đất nông nghiệp cho các hộ dân bị thu hồi. Dù vậy, phần công việc đã làm được nhìn chung chưa đáp ứng được tiến độ của dự án.
Với dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội), dù được coi là dự án trọng điểm, quy mô lớn, được khởi công từ tháng 10-2016 nhưng đến nay, nhiều hạng mục vẫn chưa thể triển khai. Dự án này có quy mô gần 5 ha, đang được quây tôn kín toàn bộ khu đất, phát quang cỏ dại, một số ít máy móc cũng được đưa đến để dọn dẹp mặt bằng, dựng nhà xưởng. Theo ghi nhận của chúng tôi, tiến độ thi công vẫn khá ì ạch, mới chỉ triển khai được một số hạng mục cơ bản, khó biết khi nào mới về đích.
Tại TP HCM, thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) TP cho thấy tính đến hết niên độ ngân sách năm 2018 (ngày 31-1-2019), TP chỉ đạt 76% tổng kế hoạch vốn được giao. Ở các quận - huyện, trong khi kế hoạch đến ngày 31-7 phải giải ngân đạt ít nhất 50% nhưng tới nay mới 13 quận - huyện giải ngân trên 50% và 11 quận - huyện giải ngân dưới 50%. Cá biệt, quận 11 chỉ giải ngân được 4%. Kế đến là quận Phú Nhuận, mới đạt hơn 13%. Quận Bình Thạnh cũng thuộc nhóm giải ngân rất thấp, gần 27%. Các quận - huyện khác tuy khá hơn nhưng tỉ lệ giải ngân vẫn chậm so với kế hoạch như: huyện Cần Giờ hơn 31%, quận 5 khoảng 33%, huyện Nhà Bè gần 35%, quận 9 khoảng 35%, quận 12 hơn 43%...
Nhiều dự án đầu tư công của TP HCM có tỉ lệ giải ngân rất thấp. Trong ảnh: Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang thi công khá chậm vì thiếu vốn. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Hứa thúc tiến độ
Bày tỏ sốt ruột trước tình hình chậm giải ngân vốn trên địa bàn thủ đô, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký ban hành cơ chế giải ngân linh hoạt kế hoạch vốn thanh quyết toán đối với các dự án đầu tư công còn vướng mắc GPMB. Việc này tạo cơ chế cho chủ đầu tư dự án, các sở - ngành thực hiện việc thanh toán chi trả tiền bồi thường GPMB, lập hồ sơ quyết toán được thuận lợi hơn, từ đó đẩy nhanh tiến độ chung của dự án.
Chủ tịch UBND TP HCM, ông Nguyễn Thành Phong, ngay từ đầu năm 2019 cũng đã ban hành Chỉ thị 02, đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2019 để bảo đảm kết quả giải ngân đến ngày 31-7 đạt ít nhất 50% và cả năm 2019 đạt ít nhất 95%. Mặc dù vậy, đến nay, toàn TP mới giải ngân được 26% trong tổng số 33.170 tỉ đồng của năm 2019, riêng vốn ODA thì khá hơn khi giải ngân được khoảng 50%. Nguyên nhân được Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến chỉ ra là do trong tổng số 4.215 tỉ đồng chi cho GPMB có 2.000 tỉ đồng dành cho tuyến metro số 2 nhưng TP chưa phê duyệt được chủ trương đầu tư theo phân cấp của Thủ tướng Chính phủ nên chưa thể chi vốn.
Một động thái khác là TP mới hoàn thành việc sắp xếp các ban quản lý dự án vào tháng 6 để thực hiện giao vốn (trước đó giao vốn qua các sở, ngành) nên ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân. Ông Trần Vĩnh Tuyến nhìn nhận chủ đầu tư thường ứng vốn trước để thi công dự án nhưng chậm hoàn thành thủ tục thanh - quyết toán nên tỉ lệ giải ngân trên hệ thống cũng ghi nhận thấp so với thực tế.
Ở các địa phương cụ thể, lãnh đạo quận - huyện cũng có nhiều cách giải thích. Đại diện UBND quận 11 cho biết tổng vốn đầu tư công của quận trong năm 2019 là 101 tỉ đồng, tập trung cho 4 dự án lớn xây trường học và công viên. Vì chưa ghi vốn nên chưa thể khởi công. "Do quận mới nhận vốn đợt 2 hồi tháng 7 nên có chậm trễ trong giải ngân. Nếu tháng 9 ghi vốn, khởi công, tiến độ giải ngân sẽ cao" - đại diện UBND quận 11 đánh giá.
Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận, ông Nguyễn Thành Phương, nhận trách nhiệm về việc chậm giải ngân vốn và cam kết đến cuối năm sẽ giải ngân trên 95%.
Số liệu chung cả nước được Bộ KH-ĐT đưa ra cho thấy 7 tháng đầu năm 2019, giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 134.494 tỉ đồng, thực hiện được 31,32% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 34,5% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tốc độ giải ngân này thấp hơn con số 37,64% và 38,77% ở cùng kỳ năm trước. Có tới 35 bộ, ngành và 16 địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới 30%; thậm chí nhiều nơi dưới 10%. "Tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước thấp hơn cùng kỳ, đặc biệt là vốn nước ngoài, có nguyên nhân chủ yếu do một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa thực sự chủ động, tích cực trong công tác triển khai thực hiện. Ngoài ra, một phần do các dự án, gói thầu mới cần phải thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về đấu thầu, xây dựng, đất đai" - báo cáo của Bộ KH-ĐT nêu rõ.
Yêu cầu kỷ luật cán bộ gây chậm giải ngân
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã ký ban hành công điện thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm các nhiệm vụ. "Cần kiểm điểm rõ trách nhiệm, xử lý kỷ luật tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, cản trở, gây chậm trễ trong triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công" - công điện của Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Chính phủ giao Bộ KH-ĐT chủ trì rà soát, làm rõ nguyên nhân chậm giải ngân và trình Thủ tướng trong tháng 8 kế hoạch giao vốn ngân sách trung ương còn lại của năm. Bộ KH-ĐT phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng về chậm phân bổ số vốn còn lại. Bộ Tài chính được giao công khai tình hình thực hiện và tỉ lệ giải ngân của các bộ, ngành, địa phương...
Trước đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong cuộc họp về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cũng thẳng thắn phê bình Bộ KH-ĐT chậm trễ trong tổng hợp, tham mưu Thủ tướng giao vốn đầu tư công, đồng thời không báo cáo cụ thể các nguyên nhân gây chậm giao vốn và giải pháp khắc phục. Bộ này sẽ phải trình Thủ tướng phân bổ hết 35.000 tỉ đồng vốn chưa giao ngay trong tháng 8 này; trình Thủ tướng việc hủy kế hoạch giao vốn với các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư "không chịu" giải ngân trước ngày 30-9.
Kỳ tới: "Nghẽn" đường tăng trưởng