IATA cho biết, hoạt động kinh doanh của ngành hàng không thế giới sẽ dần phục hồi trong năm 2022 sau những thiệt hại lớn do đại dịch Covid-19 hoành hành suốt hai năm qua.
Tổ chức trên đưa ra con số thiệt hại 11,6 tỷ USD vào năm 2022, giảm mạnh so với mức dự báo thua lỗ 51,8 tỷ USD của năm nay.
Trước đó, trong dự báo tháng 4 vừa qua, IATA cho rằng, ngành hàng không thế giới thiệt hại khoảng 47,7 tỷ USD trong năm 2021. Thiệt hại của ngành hàng không trong năm 2020 cũng được IATA điều chỉnh tăng từ mức 126,4 tỷ USD lên 137,7 tỷ USD.
Hàng không thế giới sẽ phục hồi bền vững
Theo IATA, trong năm tới, các hãng hàng không tại tất cả các khu vực của thế giới đều sẽ ghi nhận sự phục hồi, thậm chí các hàng hàng không tại Bắc Mỹ được dự báo làm ăn có lãi.
Tuy nhiên, tổ chức trên hối thúc chính phủ các nước duy trì các biện pháp hỗ trợ các hãng hàng không cho tới khi tất cả các đường bay quốc tế mở trở lại.
IATA dự báo nhu cầu đi lại quốc tế sẽ tăng gấp đôi trong năm 2022 và đạt 44% mức của năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Tổ chức này nhấn mạnh tỷ lệ người dân tiêm vaccine phòng bệnh và việc nhiều nước dỡ bỏ các biện pháp hạn chế sẽ là hai yếu tố chính tác động tích cực đến đà phục hồi của ngành hàng không thế giới.
Theo IATA, nhu cầu đi lại bằng đường không trong nước vào năm 2022 ước tính đạt 93% mức trước đại dịch, tăng 20% so với mức của năm nay.
Cơ quan này ước tính tổng lượt hành khách dự kiến sẽ tăng từ 2,3 tỷ lượt người trong năm 2021 lên 3,4 tỷ lượt vào năm tới. Cả hai con số này đều thấp đáng kể cho với số 4,5 tỷ lượt hành khách ghi nhận trong năm 2019.
Doanh thu bán vé của các hãng hàng không trong năm 2020 dự kiến tăng 67% lên 378 tỷ USD. Trong khi, ngành vận tải hàng hóa bằng đường hàng không được dự báo vẫn luôn là điểm sáng với nhu cầu tăng 13,2% so với năm 2019.
Cũng tại hội nghị, đại diện các hãng hàng không đã đưa ra cam kết đạt mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050 trong bối cảnh ngành này đang đẩy mạnh các nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Kịch bản hồi phục ngành hàng không tại Việt Nam
Trong báo cáo vào cuối tháng 6/2021, Cục Hàng không Việt Nam - đã đưa ra dự báo, tình hình ngành hàng không năm 2021 sẽ cải thiện so với năm 2020, đặc biệt vào nửa cuối năm 2021, khi việc tiêm vaccine phòng Covid-19 được đẩy nhanh tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, đặc biệt tại nhiều thị trường trọng điểm của hàng không Việt Nam như Đông Bắc Á, châu Âu.
Đặc biệt, vào ngày 1/10/2021, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách hàng không đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Trong đó, ngành hàng không chính thức kích hoạt bay nội địa trở lại từ ngày 1/10.
Kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ, vận tải hàng không nội địa sẽ được khai thác trở lại theo 4 giai đoạn, áp dụng với các địa phương đã nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể, giai đoạn 1 (tối đa 10 ngày kể từ ngày 1/10/2021), tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 50% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021 của hãng hàng không đó và có giãn cách ghế trên tàu bay.
Giai đoạn 2 (tối đa 10 ngày kể từ ngày kết thúc giai đoạn 1), tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 70% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021 của hãng hàng không đó (không phải giãn cách ghế trên tàu bay).
Giai đoạn 3 (thực hiện kể từ khi kết thúc giai đoạn 2), tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá tần suất trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021 của hãng hàng không đó (không phải giãn cách ghế trên tàu bay).
Giai đoạn 4 (trạng thái bình thường mới) sẽ được khai thác trở lại bình thường.