Theo Báo cáo Cập nhật Kinh tế Đông Nam Á (Economic Update: South- East Asia) vừa công bố của Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW), các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á lâu nay vốn chỉ dựa vào xuất khẩu bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi căng thẳng thương mại đang diễn ra (tiêu biểu như Singapore cũng chỉ tránh được tình trạng suy thoái kỹ thuật trong quý 3 năm 2019).
Tuy nhiên, Việt Nam là trường hợp ngoại lệ khi được hưởng lợi từ một số hiệu ứng chuyển hướng thương mại do chiến tranh thương mại gây ra. Tuy nhiên, đà tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ giảm xuống còn 6,6% vào năm 2020 (từ mức 7% vào năm 2019) do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc yếu hơn và chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng.
Dự báo chung cho cả khu vực, báo cáo của ICAEW cho rằng tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ giảm từ 5,1% năm 2018 xuống 4,5% năm 2019. Năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực được dự báo sẽ không có sự thay đổi mà vẫn giữ ở mức 4,5%, trong bối cảnh nhiều nguy cơ căng thẳng thương mại có thể leo thang trở lại. Từ đó, triển vọng xuất khẩu và đầu tư tư nhân được nhận định là sẽ đầy thách thức và tiếp tục làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP chung của khu vực.
Thực tế, tăng trưởng khu vực Đông Nam Á đã chậm lại kể từ năm 2018 và tiếp tục trì trệ trong quý 3 năm nay với GDP chỉ tăng ở mức 4,5% so với cùng kỳ (trước đó, quý 2 năm 2019 là 4,4%). Xung đột thương mại Mỹ-Trung được cho là tác nhân chính dẫn đến sự giảm tốc này. Điều này cũng cho thấy những bất ổn thương mại vẫn là một lực cản chính trong sản xuất, xuất khẩu và đầu tư.
Sian Fenner, Cố vấn kinh tế của ICAEW và Trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế Châu Á – Oxford Economics nhận xét: “Mặc dù đã có một số tiến triển trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng sự bất hòa giữa hai nước vẫn còn cao và phần lớn các mức thuế quan áp đặt khó có thể sớm được dỡ bỏ. Bên cạnh nhu cầu nội địa Trung Quốc chậm hơn, triển vọng xuất khẩu khu vực và đầu tư tư nhân sẽ vẫn còn nhiều thách thức”.
Ngoài ra, báo cáo của ICAEW cho cho rằng, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thực hiện những chính sách ôn hòa hơn, lạm phát thấp và triển vọng kinh tế xấu đi, các ngân hàng trung ương khu vực Đông Nam Á hiện đã chuyển sang những chiến lược sao cho phù hợp với tình hình mới như là tăng kích thích tài khóa để bổ sung việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Đơn cử như Philippines, Malaysia và Indonesia dự kiến sẽ giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (bp) trong các quý tới, theo sau là biện pháp kích thích tài khóa để bổ sung cho các nỗ lực của ngân hàng trung ương trong việc làm giảm tốc độ suy thoái kinh tế.
Tuy nhiên, không gian tài khóa sẽ khác nhau giữa các nước trong khu vực. Hầu hết các nền kinh tế Đông Nam Á như Thái Lan và Philippines dự kiến sẽ tung ra các xung lực tài khóa mạnh mẽ hơn. Sau khi triển khai một loạt thặng dư tài khóa, Singapore đã sẵn sàng để thực hiện biện pháp nới lỏng tiền tệ. Trong bối cảnh môi trường thương mại thiếu chắc chắn, chính phủ Singapore có thể sẽ công bố các biện pháp như phát tiền mặt và hỗ trợ tài trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong ngân sách của năm tới.
Ngược lại, cả Việt Nam và Malaysia đều bị hạn chế, với mức nợ công hiện tại. Riêng Malaysia, mặc dù đã công bố ngân sách mở nhẹ cho năm 2020, song chính phủ nước này vẫn tiếp tục nhấn mạnh vào việc củng cố tài khóa và các rủi ro trượt dốc tài chính.