Thông tin từ ban lãnh đạo CTCP Đầu tư Đa quốc gia (mã IDI) cho biết, LNST quý 4 của Công ty dự kiến đạt 80 tỷ đồng, tăng gấp 8 lần so với quý 3 và 2,5 lần so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, trong kỳ, Công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu cho các đơn hàng đến hết quý 3/2022, với giá trị cao hơn 25-30% so với các đơn hàng năm 2021.
Theo Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thị trường xuất khẩu cá tra có nhiều diễn biến tích cực từ quý cuối năm. Các doanh nghiệp đã lấy lại tốc độ chế biến và xuất khẩu cao trở lại như thời điểm trước khi miền Nam bị đỉnh dịch.
Nhiều thị trường có chuyển biến rất khả quan, trong đó nổi bật có thị trường Mỹ Latinh như Mexico và Brazil. Kể từ nửa đầu tháng 10 đến giữa tháng 11 năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Brazil tăng hơn 1,5 lần cùng kỳ năm trước, đạt 47,44 triệu USD. Nhu cầu nhập khẩu lương thực và thực phẩm của Brazil được dự báo tăng mạnh từ nay đến cuối năm và cả năm 2022. Việt Nam hiện là nhà cung cấp cá tra chủ đạo ở Brazil. Thị trường Mexico cũng có tốc độ tăng trưởng tương tự, thậm chí khả quan hơn.
Với thị trường Mỹ Latinh, giá cá xuất khẩu hiện đạt xấp xỉ 4 USD/kg, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
IDI có thị phần lớn ở các thị trường Mỹ Latinh như Mexico, Brazil. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mexico chiếm hơn 22% tỷ trọng hàng xuất khẩu của Công ty. Ở thị trường lớn khác là Trung Quốc, giá cá xuất khẩu cũng tăng xấp xỉ 20% so với cùng kỳ.
Theo chia sẻ của ông Lê Văn Chung, Tổng giám đốc IDI, hiện đơn hàng xuất khẩu Công ty đã ký đủ đến hết quý 3/2022. Vấn đề quan tâm lớn nhất của Công ty hiện nay là đẩy nhanh tốc độ chế biến cá và đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động để thực hiện cam kết trả đơn hàng đúng tiến độ cho khách hàng.
Xuất khẩu trong quý 4 của ngành cá tra đã tăng trưởng mạnh mẽ trở lại. VASEP ước tính, giá cá tra của Việt Nam tiếp tục tăng trong 6 tháng đầu năm 2022 do tình trạng thiếu nguyên liệu thô có thể xảy ra trên diện rộng. Đại dịch Covid-19 tiếp tục tạo ra các điểm nghẽn trong ngành xuất khẩu cá tra Việt Nam và cả thế giới nói chung, bởi thế những doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu dồi dào, chủ động trong khâu đầu vào sẽ có lợi thế lớn, đặc biệt là hưởng lợi từ giá cá tăng do thiếu cung.
Với diện tích tự nuôi cá và nuôi liên kết của IDI lên tới 400 ha, trong đó nông dân được cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi, các chế phẩm sinh học và được thu mua sản phẩm đầu ra, lãnh đạo IDI cho biết, Công ty hoàn toàn chủ động trong việc cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy.
Biên lợi nhuận gộp của Công ty từ quý 1/2022 có thể cải thiện nhờ diễn biến tích cực của giá bán đầu ra tăng nhanh hơn so với giá nguyên liệu đầu vào.
Với những chuyển biến tích cực về thị trường, tự chủ về nguyên liệu và năng lực chế biến tốt, năm 2022, HĐQT IDI dự kiến xây dựng kế hoạch kinh doanh tăng trưởng để trình ĐHĐCĐ Công ty xem xét thông qua.